Phát biểu khai mạc, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI nhận định: “Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, sàng lọc những doanh nghiệp bất chính, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh cho các doanh nghiệp chân chính, đưa sản phẩm tới gần với người tiêu dùng hơn”.
Không thể phủ nhận, kinh doanh đa cấp luôn là một lĩnh vực rất nóng. Gần đây, trên các diễn đàn truyền thông luôn đề cập tới những vụ việc vi phạm hoặc có nguy cơ tác động gây bất ổn xã hội đều có liên quan tới hoạt động kinh doanh đa cấp của một số tổ chức và cá nhân. Do đó, cần thiết phải lập tức xây dựng và hoàn thiện các khung khổ pháp lý có liên quan tới lĩnh vực nhằm bảo đảm mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn; đồng thời, tạo lập thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải không phát sinh hay tạo ra quá nhiều chi phí cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Về phía cơ quan soạn thảo, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, trong 2 năm gần đây, mặc dù nền kinh tế Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ từ dịch COVID-19, nhưng riêng ngành bán hàng đa cấp lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Từ năm 2018 tới nay, doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp tăng trung bình khoảng 25%/năm. Năm 2020, doanh thu của ngành này 15389 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với doanh thu ở thời điểm năm 2017. Hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế để trả cho người tham gia bán hàng đa cấp cũng tăng lên theo biên độ. Riêng trong năm 2020, số tiền chi hoa hồng, tiền thưởng khoảng 5.000 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp cũng đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước. Năm 2020, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã nộp thuế khoảng 1.800 tỉ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2017 - thời điểm chưa có Nghị định 40. Những kết quả nói trên để thấy rằng, Nghị định 40 đã phát huy hiệu quả như thế nào trong đời sống thực tiễn và tạo môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp ngành này phát triển ấn tượng.
So với năm 2017, số lượng doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đã giảm rất nhiều, hiện chỉ còn 22 doanh nghiệp so với 67 doanh nghiệp ở thời điểm năm 2014 và 2015. Vừa qua, Bộ Công Thương cùng các ban, ngành, hiệp hội đã đồng hành và tích cực loại bỏ dần những doanh nghiệp làm ăn bất chính; qua đó tạo thuận lợi và một môi trường lành mạnh để đảm bảo cho các doanh nghiệp chân chính hoạt động.
Thời gian vừa qua, thực tiễn quản lý các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp vẫn bộc lộ một số khe hở trong khuôn khổ pháp luật để các đối tượng lợi dụng hoạt động bất chính, hoạt động không phép... Nhiều doanh nghiệp nước ngoài dù không được cấp phép vẫn tiến hành các hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam, lôi kéo mạng lưới kinh doanh đa cấp của các doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường cạnh tranh của lĩnh vực này.
Đồng tình với kết luận của đại diện quản lý Nhà nước, Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam cũng cho biết, có 6 nhóm vấn đề lớn được các hội viên hiệp hội rất quan tâm, đó là quy định mới về bảo trợ quốc tế; yêu cầu hoa hồng cá nhân tối thiểu 20%; điều kiện mới áp dụng cho người đại diện tại địa phương; quy định về hội nghị, hội thảo về bán hàng đa cấp; điều kiện vận hành hệ thống quản lý người tham gia bán hàng đa cấp và đề xuất áp dụng hợp đồng điện tử dành cho người tham gia bán hàng đa cấp.
Cũng tại tọa đàm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính góp ý, thời gian qua, các mô hình lừa đảo đa cấp biến tướng không chỉ ảnh hưởng đến tài sản của cá nhân nhiều người dân mà còn gây xáo trộn, làm mất an toàn trong đời sống kinh tế, xã hội. Đồng thời, cũng làm cho một lượng tiền nếu đầu tư vào các mục tiêu khác sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, lại đổ vào kinh doanh đa cấp mang tính lừa đảo, khiến sức mạnh của nền kinh tế bị suy giảm.
Vì vậy, cần có các quy định về chế tài xử lý nghiêm khắc với các hành vi kinh doanh đa cấp trước khi được cấp phép kinh doanh đa cấp hay những hành vi kinh doanh bị cấm trong hoạt động kinh doanh tại Điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP để lập lại kỷ cương và sự công khai, minh bạch cho hoạt động kinh doanh đa cấp.
Ông Thịnh nói thêm, trong điều kiện công nghệ thông tin và khả năng lưu trữ dữ liệu phát triển như hiên nay cần đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời hạn tiếp nhận và xử lý các giấy tờ, thủ tục cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, làm rõ cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế tại khoản 2 điều 43 dự thảo Nghị định có quy định: Kế hoạch trả thưởng phải đảm bảo tổng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác chi trả cho người tham gia trên cơ sở kết quả bán hàng của người đó tối thiểu bằng 20% tổng số hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác mà doanh nghiệp chi trả cho người tham gia trong một năm...
Trúc Mai