Bàn về nhóm ngành ngân hàng, ông Lê Anh Tuấn cho rằng, đây là một nhóm ngành rất thú vị. Nhiều nhà đầu tư cho rằng nợ xấu cao khiến ngành ngân hàng không hấp dẫn, song điều này đúng đối với nửa cuối năm 2021.

Điểm qua về thị trường nửa cuối năm 2021, ông Tuấn đánh giá "bong bóng" cổ phiếu bất động sản (BĐS) bị thổi phồng mạnh, đặc biệt là nhóm cổ phiếu BĐS vốn hoá vừa và nhỏ.

Trong khi cổ phiếu bất động sản vốn hoá lớn được định giá lại và hỗ trợ bởi các thương vụ tăng vốn cũng như các câu chuyện hồi sinh tài sản cũ, thì nhóm cổ phiếu BĐS vốn hoá nhỏ lại được "thổi giá" bằng thương vụ đấu giá bất thường tại Thủ Thiêm. Qua đó đã khiến làn sóng đầu cơ gia tăng trên diện rộng bất chấp tình trạng pháp lý và những bất cập về quỹ đất các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhìn nhận về đà tăng chung của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, ông Tuấn cho biết, không hẳn phi logic mà có lý do nhất định. Cụ thể, theo thông kê cho thấy tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 của nhóm này lên đến 40-80%, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn chỉ dao động từ 25% - 30%.

"Tuy nhiên, sang đến năm 2022 bức tranh này sẽ thay đổi. Theo dự báo của Dragon Capital, lợi nhuận của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ giảm xuống còn 10-20%, còn các doanh nghiệp lớn có thể dao động từ 25-40%. Do đó, tôi cho rằng năm 2022 sẽ là năm của nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn", Giám đốc chiến lược Dragon Capital đánh giá.

Ông cũng phân tích thêm về chu kỳ tăng giá ngân hàng đến từ (1) tăng trưởng tín dụng dao động trong khoảng 15-18% (2) lợi nhuận liên tục tăng tốc, lợi nhuận trung bình ngành tăng 30% và tỷ lệ đòn bẩy (3) nợ xấu toàn ngành giảm và xử lý toàn bộ nợ VAMC (4) chia tác cổ phiếu thưởng và có nhiều nguồn lợi nhuận đột biến.

"Đầu tiên tôi khẳng định, quan điểm về nợ xấu có nhiều điểm không đúng. Tỷ lệ nợ xấu bao phủ của Việt Nam đã tăng rất mạnh, năm 2017 tỷ lệ này là 75% thì đến năm 2021 đã tăng lên 130%, xếp thứ 3 toàn khu vực. Hơn nữa, ngành ngân hàng đã có sự chuẩn bị cho câu chuyện nợ xấu. Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2018, bạn có 100 đồng tài sản thế chấp thì bạn chỉ có thể vay được 70 đồng. Từ năm 2019 trở đi, ngành ngân hàng bắt đầu thận trọng hơn, khi đó 100 đồng tài sản chỉ có thể vay được 58 đồng. Điều này cho thấy chất lượng tài sản thế chấp đã tăng lên rất nhiều, trong đó phần lớn là bất động sản"ông Tuấn phân tích.

Mặt khác, vị chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản hiện tại vẫn đang duy trì ổn định nên không thể khiến nợ xấu tăng mạnh. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng khoản nợ của ngành dịch vụ du lịch, vận tải cũng đè nặng khiến nợ xấu ngân hàng tăng cao. Tuy nhiên dư nợ trong nhóm ngành rất thấp và ảnh hưởng không đáng kể.

Do đó, Giám đốc chiến lược đến từ Dragon Capital khẳng định năm 2022 là năm hội tụ đầy đủ những yếu tố tích cực cho ngành ngân hàng. Cụ thể, tín dụng tăng trưởng 15%, nợ xấu giảm mạnh, lợi nhuận tăng 30% cho năm 2022. Bên cạnh đó, ngân hàng còn có nhiều thông tin hỗ trợ lạc quan (1) nhiều ngân hàng đang triển khai việc bán vốn chiến lược (2) lợi nhuận đột biến ghi nhận từ việc bán bảo hiểm độc quyền (3) dòng tiền được chấp thuận tăng room cho nước ngoài.

"Mức định giá của ngành ngân hàng hiện tại vô cùng hấp dẫn, rẻ hơn 25% so với mức bình quân 3 năm với tỷ lệ P/B 1,6 lần và tỷ lệ P/E 8,7 lần. Dựa vào những yếu tố trên, tôi cho rằng ngành ngân hàng là ngành nhà đầu tư không nên bỏ qua trong năm 2022", ông Tuấn nhận định.

Bên cạnh những nhận định về nhóm ngành, ông Lê Anh Tuấn cũng đưa ra quan điểm tích cực về bức tranh kinh tế trong năm 2022 . Theo đó, động lực tăng trưởng nền kinh tế sẽ đến từ việc kinh tế tăng trưởng ổn định, dịch chuyển sản xuất và sự hình thành tầng lớp trung lưu. Ngoài ra, hai yếu tố mới là đầu tư công và môi trường lãi suất thấp sẽ là động lực cho đà tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2022.

Q.N (t/h)