Theo Nghị quyết số 105/2021/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 được ban hành mới đây, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay, đặc biệt là tiết giảm chi phí, để tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho các thương nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh,...
Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian được áp dụng chính sách cho phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh, hoàn thành trong tháng 9/2021.
Thực tế cho thấy, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân cũng như nền kinh tế nói chung, trong năm 2020 và 7 tháng năm 2021, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, bám sát các diễn biến vĩ mô và tình hình thực tiễn để có những quyết sách kịp thời, phù hợp.
Các giải pháp quyết liệt, đồng bộ được triển khai về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Chỉ tính riêng khoản nợ đã được các TCTD thực hiện cơ cấu lại trên khoảng gần 800.000 khách hàng, kể cả doanh nghiệp lớn, nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng, ở mức độ phù hợp với điều kiện thực tế mỗi loại hình doanh nghiệp, mỗi ngành nghề.
Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN cho biết, với những thiệt hại mà đại dịch gây ra với người vay vốn, ngân hàng thương mại cần tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ khách hàng. Trước tình hình đó, NHNN vừa vận động nhưng cũng vừa có công cụ giám sát chặt việc giảm lãi suất cho vay.
“Mặc dù một số tổ chức tín dụng có giảm, nhưng chưa phải 100% ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay. Trên thực tế mới có 16 ngân hàng ký cam kết giảm lãi suất cho vay. Vì vậy, NHNN cũng yêu cầu 4 ngân hàng có vốn nhà nước phải giảm lãi suất cho vay ngay, trong đó Agribank thực hiện rất tốt với mức giảm 1% cho các hợp đồng vay lãi suất 9 - 10%/năm, riêng khoản vay ưu đãi có mức giảm nhẹ hơn”, đại diện Vụ Tín dụng cho biết.
Bảo Lâm