Theo báo cáo, trong thập kỷ vừa qua, công cuộc giảm nghèo ở Việt Nam đã đạt được các kết quả đầy ấn tượng. Tính trung bình, mức tiêu dùng hộ gia đình đạt tăng trưởng cao, ở mức khoảng 5% mỗi năm. Căn cứ vào chuẩn nghèo dành cho quốc gia thu nhập trung bình thấp (LMIC) của WB (3,20 USD/ngày tính theo ngang giá sức mua năm 2011), tỷ lệ nghèo đã giảm từ 16,8% năm 2010 xuống còn 5% vào năm 2020. Điều này có nghĩa là 10 triệu người đã thoát nghèo, số người nghèo đã giảm xuống còn 5 triệu người vào năm 2020.
Tăng trưởng trong thập kỷ qua ở Việt Nam nhìn chung có tính chất bao trùm, do những cải thiện về phúc lợi đạt được trên toàn bộ phân bố kinh tế hộ gia đình. Sự thoát nghèo diễn ra đồng đều ở hầu hết các nhóm, và nhiều gia đình thoát nghèo chỉ trong vòng một thế hệ. Một số nhóm có nhiều cơ hội vươn lên tầng lớp kinh tế cao hơn trong khi có tỷ lệ tụt lùi thấp hơn; đó là các nhóm thoát nông hoàn toàn hoặc có được việc làm trong khu vực chính thức trong khoảng thời gian 02 năm.
Bên cạnh đó, cũng ghi nhận bất bình đẳng tăng nhẹ trong nửa cuối của thập kỷ. Bất bình đẳng giảm khi các hộ gia đình nằm ở phân bố phúc lợi thấp hơn đạt tốc độ phát triển cao hơn trung bình trong giai đoạn từ năm 2010 - 2014. Việc làm được tạo ra và thu nhập hưởng lương tăng lên là yếu tố chính dẫn đến giảm nghèo, nhưng các kênh này bị gián đoạn do dịch Covid-19.
TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá, báo cáo này là một cập nhật quan trọng cho chương trình nghị sự về giảm nghèo và kiềm chế bất bình đẳng ở Việt Nam. Báo cáo ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam trong việc giảm tình trạng nghèo cùng cực và thành công này cũng được cộng đồng quốc tế rộng rãi công nhận.
“Mặc dù báo cáo chỉ ra mức độ thành công trong việc giảm nghèo của Việt Nam ở mức cao, song vẫn còn khoảng 5 triệu người nghèo dựa trên chuẩn nghèo được WB áp dụng cho các nước có thu nhập trung bình thấp. Ngoài ra, vẫn còn nhóm dân cư tuy không còn nghèo nhưng lại giảm chưa đảm bảo bền vững về mặt kinh tế. Chính vì thế giải quyết các thách thức để giảm nghèo bền vững thời gian tới vẫn là ưu tiên chính sách quan trọng”, TS. Đặng Xuân Thanh nêu ý kiến.
“Đại dịch Covid-19 cho thấy nhiều người có trạng thái kinh tế rất bấp bênh, vì vậy chặng đường sắp tới cần tập trung vào các hộ gia đình trên con đường hướng tới thu nhập cao của Việt Nam vào năm 2045, phát triển các tầng lớp trung lưu thay vì giảm nghèo như thời gian đã qua. Chúng ta cũng phải tăng tốc, hiện đại hóa giáo dục, y tế, phát triển kỹ năng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, quản lý thuế hiệu quả để đảm bảo mục tiêu của Việt Nam về gia nhập nhóm các nước thu nhập cao trong 03 thập niên tới”, ông Thanh nhấn mạnh.
C.H (t/h)