Năm 2023, ngành dệt may của Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn do tình hình lạm phát căng thẳng ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU, khiến cho nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may suy giảm mạnh. Bước sang năm 2024, tình hình khó khăn giảm dần, các nền kinh tế lớn dần phục hồi, đơn hàng xuất khẩu dệt may cải thiện rõ rệt.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp mạnh nhất đến từ mảng vải tăng 15,6% so với cùng kỳ, mảng xơ, sợi dệt tăng 4,3% so với cùng kỳ.
Thị trường Mỹ đã phục hồi nhưng còn ở mức chậm (tăng trưởng 2,5%), thị trường Nhật Bản phục hồi tích cực hơn ở mức tăng 5,7% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 6/2024, xuất khẩu dệt may tích cực ở thị trường EU tăng 10,9%, thị trường Mỹ tăng nhẹ 1,82% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp cho biết, lạm phát ở các thị trường lớn đã hạ nhiệt, nhu cầu tiêu dùng đối với sản phẩm dệt may gia tăng. Tồn kho ở các thị trường lớn giảm, doanh nghiệp Việt Nam hiện đã nhận đơn hàng đến hết năm 2024.
Trong bối cảnh những diễn biến bất ổn tại Bangladesh, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhìn nhận: Trước mắt, ngành dệt may Việt Nam sẽ có một số lợi thế khi năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh giảm sút giữa mùa cao điểm đang sản xuất hàng cho mùa đông; nhiều khách hàng sẽ phải dịch chuyển đơn hàng sang nước khác, để bù đắp số lượng thiếu hụt.
Ngoài ra, niềm tin của khách hàng đối với ngành dệt may Bangladesh sẽ bị giảm sút. Nước này cũng sẽ chịu sức ép tăng lương cho lao động dệt may nên lợi thế về phí nhân công giá rẻ sẽ giảm đi.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cũng nhận định, nhiều nhà máy tại Bangladesh đóng cửa nên khách hàng sẽ cân nhắc chuyển các đơn đặt hàng sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Các thương hiệu thời trang hàng đầu tại Châu Âu như: H&M, Zara đều là khách hàng của Bangladesh.
Thêm vào đó, số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục hải Quan Việt Nam cũng làm rõ nét thêm những tín hiệu khởi sắc của ngành dệt may khi kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 4,29 tỷ USD trong tháng 7/2024, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 16,1% so với tháng trước.
Trong đó: Hàng xơ sợi dệt đạt 373,3 triệu USD, tăng 6% so với tháng trước; hàng dệt may đạt 3,71 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ, tăng 17,6% so với tháng trước; vải mành, vải kỹ thuật khác đạt 68,2 triệu USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ, tăng 7% so với tháng trước; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 135 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ và tăng 10,1% so với tháng trước.
Nhiều doanh nghiệp cho hay, đơn hàng năm nay tăng trưởng từ 20-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Phạm Ánh Dương – Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất MDF Hải Dương (Vinamdf) – cho hay, tăng trưởng đơn hàng của doanh nghiệp năm nay tăng khoảng 50% so với năm ngoái. Hiện tại, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 3/2025.
Còn với Công ty TNHH Kẻ Gỗ, đơn hàng 7 tháng đầu năm 2024 của doanh nghiệp tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Trịnh Xuân Dương - Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ - cho hay, 2 năm sau Covid-19, thị trường xuất khẩu rất khó khăn. Tuy nhiên, việc quản lý tỷ giá VND/USD của Việt Nam rất tốt, thị trường nhận định sẽ ổn định và phát triển. Xu thế thị trường yếu, rủi ro lớn nhất là từ chiến tranh, cước biển tăng đột biến từ tháng 5 đến nay sẽ ảnh hưởng đến giá thành và các đơn hàng sẽ bị chậm lại, người tiêu dùng vẫn phải sử dụng sản phẩm. Do đó, dự báo tình hình đơn hàng xuất khẩu sẽ tiếp tục sáng.
Chưa hết, dệt may Thành Công cũng đang có hiệu suất kinh doanh hiệu quả, khi 6 tháng năm 2024, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều vượt cùng kỳ năm 2023.
Ông Tùng cũng dự báo đến hết năm 2024, doanh thu sẽ đạt mục tiêu khoảng 158 triệu USD và lãi ròng gần 6,7 triệu USD, lần lượt tăng 12% và 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 44 tỷ USD (tăng 9,2% so với 2023) như đã đề ra, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng thì tiêu chí phát triển bền vững cần được các doanh nghiệp dệt may chú ý hơn. Đặc biệt là tại các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.
Các nhà nhập khẩu lớn yêu cầu cao về các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường). Đơn cử như những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa.
Ngành dệt may cần chú trọng vào phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Doanh nghiệp cần đầu tư cải tạo nhà máy bằng việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi từ than sang điện… Chiến lược chuyển đổi số gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro... cũng cần được quan tâm hơn nữa.
Có thể thấy, các doanh nghiệp đã và vượt qua giai đoạn khó khăn của những tháng đầu năm 2024 và đang có sự lạc quan với kinh doanh trong thời gian tới. Các chuyên gia nhận định, niềm tin về triển vọng kinh doanh tươi sáng hơn đang quay trở lại khi doanh nghiệp Việt đang nhận được nhiều đơn hàng hơn, tăng tốc mở rộng kinh doanh và tập trung vào đầu tư xây dựng.
Hà Trần