Cụ thể, riêng mặt hàng may mặc đạt 12,86 tỷ USD, tăng 15,27%, tăng khá cao so với mức tăng 8,32% của năm 2017. Mặt hàng vải đạt 787 triệu USD với mức tăng trưởng rất tốt 31,83%, các mặt hàng có giá trị gia tăng cao cũng có mức tăng trưởng tốt như xơ sợi tăng 19%, vải địa kỹ thuật tăng 11,8%, phụ liệu dệt may tăng 19,1%.

Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 10,78 tỷ USD, tăng 15,99% so cùng kỳ năm 2017. Giá trị thặng dư thương mại đạt 7,6 tỷ USD, tăng 13,87% so cùng kỳ năm ngoái.

Ngành dệt may tiếp tục tăng trưởng mạnh - Hình 1

Ảnh minh họa

Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong 6 tháng đầu năm, cùng với những diễn biến mới từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung theo hướng có lợi cho hàng hóa của Việt Nam cũng như tiến độ nhập khẩu NPL đang tăng nhanh, dự kiến xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tốt, kim ngạch ước đạt 18,5 tỷ USD, nâng kim ngạc xuất khẩu cả năm đạt 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch.

Về thị trường xuất khẩu, những thị trường xuất khẩu trọng điểm như Hoa Kỳ, các nước khối CPTPP, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN... đều tăng mạnh, tốc độ tăng vượt trội so cùng kỳ 2017. Các mặt hàng xuất khẩu bứt phá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018 là vải, áo thun, áo jacket, váy...

Tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp cũng rất khả quan, nhiều doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến hết năm. Một số doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu điển hình Công ty TNHH May Tinh Lợi, Tổng công ty CP May Việt Tiến, Công ty TNHH Regina Miracle, Công ty TNHH Worldon (VN)...

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, tiếp nối từ TPP) đã được ký kết với 11 quốc gia hồi tháng 3/2018, nhiều DN sẽ có thêm 2 thị trường rất tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này là Canada, Úc, bên cạnh các thị trường truyền thống là Nhật, Mỹ...

Mộc Anh