Xăng tăng cản trở kế hoạch phục hồi của ngành du lịch
Sau đà tăng 6 lần liên tiếp kể từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước có lần giảm đầu tiên. Từ 15h ngày 21/03, xăng E5 RON 92 giảm 655 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 632 đồng/lít.
Có thể thấy, trong đợt tăng liên tục thời gian qua khiến mặt hàng xăng dầu trong nước đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Khi giá xăng dầu tăng đã tác động đến nhiều ngành khác nhau. Tuy nhiên, nhìn trên mặt bằng chung, giá xăng dầu tăng cao trong thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phục hồi của ngành “công nghiệp không khói”.
Vào thời điểm du lịch vừa rục rịch mở cửa thì cú tăng giá xăng dầu sẽ gây khó khăn trong việc phục hồi. Giá xăng, dầu tăng khiến vật giá leo thang, hầu bao du khách bị bóp lại. Nhu cầu đi lại chắc chắn phải tái điều tiết.
Cùng với đó, giá xăng dầu tăng, đánh bắt hải sản chi phí cao, giá thực phẩm cung ứng cho du lịch cũng tăng theo. Như vậy, chi phí ăn uống trong cơ cấu giá tour du lịch cũng sẽ tăng theo.
Các dịch vụ vận chuyển du khách ở các địa phương, điểm đến cũng tăng giá, cộng dồn vào thì tổng chi phí cho tour du lịch tăng. Giá tour tăng, tiêu xài tốn kém hơn, đương nhiên sẽ giảm lượng khách tham gia. Các hãng lữ hành còn e ngại khả năng nhà hàng, khách sạn… sẽ tăng giá theo.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương, TP. Đà Nẵng cho rằng, giá xăng tăng thì giá vận chuyển cũng tăng và giá tour du lịch cũng sẽ tăng vì vận chuyển chiếm tỷ trọng chi phí lớn trong cơ cấu tour. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành sẽ rất đau đầu trong việc xây dựng giá tour, giá tour cao thì khách hàng sẽ quay lưng, còn nếu giá tour thấp thì các công ty phải chịu thiệt.
Ngoài ra, ông Thủy còn cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang có những kế hoạch tích cực trong việc mở cửa du lịch trở lại, việc các công ty lữ hành xây dựng giá tour cao do ảnh hưởng của xăng dầu sẽ khiến chúng ta mất lợi thế điểm đến quốc gia.
Không chỉ đơn vị lữ hành, các hãng hàng không cũng chật vật với nỗi lo tăng giá nhiên liệu. Đại diện một đơn vị lữ hành cho biết giá vé máy bay đang có dấu hiệu tăng. Cụ thể, hiện tại, giá vé khứ hồi Hà Nội - Nha Trang vào khoảng 2,5 triệu đồng/người. Trong khi đó, chặng Hà Nội - Phú Quốc là 3,5 triệu đồng/người.
Doanh nghiệp du lịch đau đầu với bài toán tăng giá
Một số doanh nghiệp cho biết, để kích cầu du lịch nhiều doanh nghiệp đã tung ra rất nhiều chương trình giảm giá để thu hút khách. Tuy nhiên, cú tăng giá xăng dầu trong thời gian qua khiến doanh phải bù lỗ cho những sản phẩm đã bán ra trước đó. Bởi việc giá xăng dầu tăng không có nghĩa sản phẩm du lịch cũng tăng ngay theo được.
Hiện nay, một số doanh nghiệp đang tính đến phương án tăng giá, tuy nhiên để tăng giá bán sản phẩm thời điểm này khá khó khăn. Lý do là du lịch đang trong giai đoạn phục hồi, cần những chính sách giá tốt. Việc điều chỉnh giá sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý khách hàng, đặc biệt là người Việt - nhóm du khách rất nhạy cảm về giá.
Tổng Giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết, trong cơ cấu giá thành của một chương trình du lịch, phần chi phí vận chuyển (máy bay, xe khách, tàu hỏa, thuyền...) chiếm tỷ lệ cao nhất.
Cụ thể, đối với tour có sử dụng vé máy bay và xe ô tô, chi phí này chiếm khoảng 40 - 50%, thậm chí lên tới 60% giá tour nếu có chương trình tham quan bằng tàu thuyền. Việc xăng dầu liên tục tăng giá khiến doanh nghiệp buộc phải đẩy giá tour lên cao.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam chia sẻ, 02 năm qua, để kích cầu thị trường, các doanh nghiệp hội viên đã tính toán, cắt giảm lãi nhằm tạo ra chính sách giá tour tốt nhất để duy trì hoạt động, tuy nhiên với đà tăng giá lần này, giá tour tăng sẽ là điều không tránh khỏi.
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp du lịch và các ngành nghề khác đang gặp phải do giá xăng dầu tăng, ngày 13/03, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP thông qua dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu đến hết ngày 31/12/2022. Theo đó, đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut… là 1.000 đồng/lít; dầu hỏa là 700 đồng/lít, dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/04 đến hết ngày 31/12 năm nay.
Trang Nguyễn