Xin ông chia sẻ về những hỗ trợ của ngành hải quan đối với doanh nghiệp thời gian qua?
Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát trở lại với tốc độ lây nhiễm nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng, tập trung vào các tỉnh, thành phố lớn, khu vực đông dân cư và người lao động, đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất để phục vụ phòng chống dịch, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn.
Điều này đặt ra các yêu cầu cấp bách đối với cơ quan hải quan trong việc nghiên cứu, triển khai các phương án vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động thông quan hàng hóa, không làm gián đoạn đứt gãy chuỗi cung ứng hoặc đình trệ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt là việc thông quan nhanh đối với các mặt hàng thiết yếu nhập khẩu phục vụ công tác phòng chống dịch, như: Vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc tân dược, sinh phẩm xét nghiệm, vắc xin,... hoặc tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động xuất khẩu các mặt hàng hoa quả, nông sản, trái cây qua các khu vực cửa khẩu đường bộ.
Một số giải pháp đã được Tổng cục Hải quan chỉ đạo tổ chức thực hiện, đó là:
Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, mọi hoạt động giao dịch, trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp đều được thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, kể cả các chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan theo quy định phải nộp bản chính như: Giấy phép, kết quả kiểm tra chuyên ngành, một số loại C/O,... đều được cơ quan hải quan chấp nhận cho doanh nghiệp được nộp chứng từ dưới dạng điện tử và nộp bổ sung bản chính sau khi hàng hóa được thông quan.
Tạm dừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra sau thông quan hoặc kiểm tra nghiệp vụ, như: Kiểm tra thực tế điều kiện hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan tại doanh nghiệp, kiểm tra việc bảo quản hàng hoá,... để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bố trí cán bộ công chức và tạo điều kiện giải quyết thủ tục thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là hoa quả, trái cây đến thời điểm thu hoạch chính vụ và các loại nông sản qua cửa khẩu biên giới; Tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đóng gói gia cố bao bì, phân loại hàng hóa dưới sự giám sát của cơ quan hải quan... không làm thay đổi xuất xứ, nguồn gốc để đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu.
Chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành xây dựng các phương án sẵn sàng với các giải pháp về công nghệ thông tin, hạ tầng, trang thiết bị phòng chống dịch, bố trí đủ quân số để giải quyết thủ tục và đảm bảo an toàn cho lực lượng cán bộ công chức trong tình hình dịch bệnh Covid-19 nhằm không làm gián đoạn hoạt động thông quan hàng hóa, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo quản lý hải quan, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.
Thành lập các Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu từ cấp Tổng cục đến cấp Chi cục để kịp thời tiếp nhận, xử lý các vướng mắc đảm bảo hỗ trợ thông quan hàng hóa ngay trong ngày, đặc biệt là hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng tham mưu cho Bộ Tài chính có một số ý kiến tham gia, đóng góp với những chủ trương, chính sách trong phòng chống dịch bệnh và chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc mua, nhập khẩu, tổ chức tiếp nhận các lô hàng vắc xin, phối hợp, cung cấp số liệu liên quan phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, quản lý điều hành và chính sách của Chính phủ, các bộ ngành trong tạo thuận lợi thương mại và công tác tuyên truyền trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
Nhiệm vụ của ngành hải quan là thu đúng thu đủ, không để gian lận, thất thu thuế nhưng lại phải tạo thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh. Với những thách thức hiện hành, 2 nhiệm vụ nêu trên sẽ càng khó khăn hơn, ngành hải quan đã và đang làm gì để dung hòa, thưa ông?
Tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan nhanh hàng hóa và đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan, đảm bảo nguồn thu ngân sách là 2 nhiệm vụ đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan hải quan. Để các nhiệm vụ nêu trên được thực hiện đồng bộ, thống nhất, ngành hải quan thực hiện một số giải pháp sau:
Áp dụng triệt để nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Cụ thể, cơ quan hải quan thường xuyên tổ chức thu thập thông tin đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp để phân loại, xếp hạng doanh nghiệp và có cơ chế quản lý phù hợp, luôn ưu tiên, tạo thuận lợi về thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp được đánh giá là tuân thủ tốt pháp luật hải quan và phấn đấu để được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên về hải quan; Các doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật hải quan sẽ bị đưa vào diện kiểm soát chặt chẽ trong quá trình làm thủ tục hải quan và trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Phân tích, đánh giá rủi ro đối với các lô hàng nhập khẩu trước khi hàng hóa đến cửa khẩu Việt Nam để thực hiện phân luồng kiểm tra phù hợp, có lô hàng có độ rủi ro thấp sẽ được ưu tiên phân luồng xanh, luồng vàng và có thể thông quan ngay khi hàng đến cửa khẩu; Các lô hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan, có độ rủi ro cao sẽ được phân luồng đỏ để kiểm tra thực tế hàng hóa.
Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Theo đó, thủ tục hải quan sẽ được cơ quan hải quan ưu tiên tạo thuận lợi nhằm đảm bảo thông quan nhanh chóng hàng hóa, cắt giảm chi phí lưu kho lưu bãi (hiện nay, tỷ lệ phân luồng trung bình hàng năm: Luồng xanh khoảng 60-65%, luồng vàng khoảng 30-35% và luồng đỏ <5%); nhưng cùng với đó, chúng tôi sẽ thường xuyên thu thập, phân tích thông tin để thực hiện kiểm tra sau thông quan khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra để đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, qua đó, cũng góp phần kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.
Ông có thể đưa ra một vài khuyến nghị giúp cộng đồng doanh nghiệp tận dụng được những hỗ trợ, những cơ hội để chuyển mình, phục hồi và phát triển?
Thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng làm Tổ trưởng để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Là một thành viên trong Tổ công tác, Tổng cục Hải quan cũng đã tiếp nhận được một số kiến nghị của doanh nghiệp và đã có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hoặc liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để được xử lý.
Tổng cục Hải quan cũng thành lập các Tổ hỗ trợ xử lý các vướng mắc từ cấp Tổng cục đến cấp Chi cục, kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý để hàng hóa có thể được thông quan nhanh hơn, kịp thời đưa vào kinh doanh, sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Qua đó, góp phần cắt giảm tối đa các chi phí lưu kho, bãi, chi phí cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, nếu có vướng mắc phát sinh, các doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với các Tổ hỗ trợ của cơ quan hải quan thông qua đường dây nóng hoặc bằng văn bản để được hỗ trợ xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tuân thủ tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 để đảm bảo hoạt động sản xuất được an toàn và sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Anh Minh (thực hiện)