Ngành hải quan phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm - Hình 1

Năm 2018, ngành hải quan phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm

Theo số liệu công tác kiểm soát hải quan năm 2018, số vụ vi phạm pháp luật về hải quan có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2017, trị giá hàng hóa vi phạm tăng cao.

Các vụ việc vi phạm diễn ra ở tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không, bưu điện quốc tế…

Mặt hàng vi phạm đa dạng bao gồm hàng cấm, hàng hóa xuất nhập khẩu có điều kiện, hàng sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng… 

Cụ thể, từ ngày 16/12/2017 - 15/12/2018, lực lượng kiểm soát toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 16.633 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan (tăng 9,54%), trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.702 tỷ đồng (tăng hơn 115,61%); thu ngân sách đạt 350,966 tỷ đồng (tăng 4, 83% so cùng kỳ năm 2017). Cơ quan hải quan khởi tố 62 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 133 vụ. 

Đối với công tác phòng, chống ma túy, lực lượng hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 216 vụ mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, thuốc gây nghiện (tăng 115 vụ, tương đương tăng 113,86% so cùng kỳ năm 2017).

Lực lượng hải quan đã thu giữ 54.021,81 gram và 444 bánh heroin; 128.166, 87 gram, 364.258 viên và 185 túi, gói ma túy tổng họp; 176.176 gram ma túy đá; 104,833 kg cocaine; 2.500 kg lá Khát; 3.800 kg tiền chất...

Theo Phó cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Nguyễn Khánh Quang:  

"Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, ngành hải quan gặp nhiều khó khăn như thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của cơ quan hải quan còn bị hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều tra, xử lý của ngành hải quan. 

Bên cạnh đó, trong hoạt động tổ chức điều tra hình sự thì việc thu giữ, bảo quản, sử dụng vật chứng để phục vụ công tác điều tra là hết sức quan trọng, nhưng cơ quan hải quan không được pháp luật cho phép xây dựng kho tạm giữ vật chứng. Do vậy, khi thu giữ vật chứng, cơ quan hải quan phải gửi ở cơ quan công an nên ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả điều tra vụ án. 

Ngoài ra, một số quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, về thủ tục hàng hóa tạm nhập - tái xuất, trung chuyển chưa ràng buộc được trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp; chưa quy được trách nhiệm pháp lý với đối tượng kinh doanh kho bãi, bốc xếp, người vận chuyển, không xử lý được chủ thể vi phạm là người nước ngoài… 

Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến ngày càng phức tạp, với quyết tâm tích cực, chủ động trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo lực lượng kiểm soát hải quan bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban chỉ đạo 138/CP, Bộ Tài chính, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả với nhiều giải pháp".

Bên cạnh đó, ngành hải quan cũng triển khai nhiều hoạt động hợp tác thiết thực trong lĩnh vực kiểm soát hải quan như trao đổi thông tin, xác minh, hợp tác đấu tranh chống buôn lậu, tổ chức các khóa tập huấn, trao đổi kinh nghiệm... nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương với hải quan các nước.

Bên cạnh đó, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trên phương diện chính trị, ngoại giao, cũng như tìm kiếm sự đồng thuận, đồng lòng trong cuộc chiến triệt tiêu các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa xuyên quốc gia.

Nguyễn Kiên