Các đơn vị cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 (Ảnh: internet)
Theo đó, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những trường hợp cần thiết theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan, đơn vị mới đến công sở nhưng tối đa không quá 30% số công chức, viên chức và người lao động của đơn vị.
Các đơn vị sự nghiệp khối đào tạo và nghiên cứu khoa học bố trí 100% viên chức, người lao động làm việc tại nhà. Thường xuyên theo dõi, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý, nghiêm cấm lạm dụng việc cách ly để nghỉ làm việc riêng, không đảm bảo tiến độ công việc.
Tổ chức các cuộc họp, đào tạo trực tuyến phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị. Tạm dừng các hoạt động trực tiếp tập trung đông người như đào tạo, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; sàn giao dịch việc làm tại các Trung tâm dịch vụ việc làm; tuyển chọn, đào tạo người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài…
Các cục: Người có công, Bảo trợ xã hội, Trẻ em và Phòng chống tệ nạn xã hội, các bệnh viện, trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng tăng cường hướng dẫn các địa phương quản lý, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19 đối với trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng, cơ sở trợ giúp xã hội, Làng trẻ em SOS, cơ sở cai nghiện ma túy, bệnh viện, trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng.
Rà soát, thống kê, nắm chắc tình hình sức khỏe của đối tượng quản lý; thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế theo yêu cầu của Bộ Y tế, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền. Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn để phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho đối tượng, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại cơ sở. Tạm dừng việc trực tiếp đến thăm, tặng quà tại các cơ sở đến hết ngày 15/4.
Tạm dừng việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội; tạm dừng tiếp nhận người cai nghiện ma túy tự nguyện, người cai nghiện ma túy bắt buộc vào các cơ sở cai nghiện ma túy; hạn chế việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; tạm dừng các hoạt động thăm gặp đối với học viên để bảo đảm việc “cách ly xã hội”, “cách ly y tế”.
Khi học viên chấp hành xong quyết định cai nghiện ma túy bắt buộc, thông báo ‘‘thông tin y tế” của học viên cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi học viên cư trú để địa phương quản lý, phối hợp với gia đình để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại cộng đồng.
Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo các doanh nghiệp tạm dừng tổ chức xuất cảnh cho người lao động đến hết ngày 30/4.
Các ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài tuyên truyền, vận động người lao động Việt Nam yên tâm ở lại và chấp hành quy định của nước sở tại về phòng, chống dịch COVID-19, không di chuyển, không đến các địa bàn có dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài cần tăng cường công tác quản lý, nắm tình hình, đảm bảo quyền lợi của người lao động trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cục Quản lý lao động ngoài nước khẩn trương hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến đăng ký hợp đồng cung ứng lao động kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Hà Trần