Theo cơ quan nghiên cứu năng lượng Carbon Brief, đầu tư vào năng lượng mặt trời, xe điện, hydro xanh và một loạt công nghệ năng lượng sạch khác ở Trung Quốc đã tăng vọt lên 6.300 tỷ nhân dân tệ (890 tỷ USD) vào năm 2023, tương ứng mức tăng 40% so với năm 2022.

Tổng cộng, năng lượng sạch đã đóng góp tới 40% tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vào năm 2023. Nếu không có ngành này, GDP của Trung Quốc sẽ chỉ tăng 3% thay vì 5,2%.

Ngành công nghiệp năng lượng sạch đang giúp lấp đầy lỗ hổng do cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc tạo ra.

Vào thời kỳ đỉnh cao, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc ước tính chiếm khoảng 25 - 30% GDP. Sau đó, nhà phát triển bất động sản Evergrande chìm trong nợ nần, kéo theo hàng loạt nhà phát triển bất động sản khác chao đảo và gây ra sự sụt giảm sâu sắc về lĩnh vực bất động sản mà các chuyên gia dự đoán có thể kéo dài một thập kỷ.

Carbon Brief lưu ý, kể từ khi cuộc khủng hoảng bất động sản diễn ra, tiền trong lĩnh vực này càng cạn kiệt, với mức đầu tư giảm 10% vào năm 2022 và 9% vào năm 2023.

Sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản đã tạo ra khoảng trống lớn về các cơ hội đầu tư sẵn có mà chính quyền địa phương đã nhanh chóng bắt đầu thay thế bằng các lĩnh vực như năng lượng sạch.

Đầu tư vào sản xuất, đặc biệt là năng lượng sạch đã tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023.

Sự dẫn đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất xe điện và tấm pin mặt trời đang được thể hiện rõ ở các thị trường trên thế giới. Tại châu Âu, giá module năng lượng mặt trời đã giảm mạnh sau khi nguồn cung từ Trung Quốc tràn ngập thị trường.

Vào tháng 9/2023, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố một "cuộc điều tra chống trợ cấp" đối với xe điện Trung Quốc, vì lo ngại rằng xe điện giá rẻ của Trung Quốc đang làm sai lệch thị trường. Sau đó, vào tháng 1/2024, BYD đã soán ngôi Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của ngành năng lượng sạch không phải là liều thuốc chữa bách bệnh cho tình trạng bất ổn đang bao trùm nền kinh tế Trung Quốc. Nước này đang tiếp tục phải đối mặt với vấn đề giảm phát, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm và tình trạng tháo chạy vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Hà Trần (t/h)