Ngành Quản lý thị trường mở đợt cao điểm truy quét buôn lậu, hàng giả trên toàn quốc
Ngành Quản lý thị trường mở đợt cao điểm truy quét buôn lậu, hàng giả trên toàn quốc

Kế hoạch số 01/KH-TTTN được ban hành nhằm triển khai hiệu quả Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 và Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới.

Kế hoạch được xây dựng nhằm triển khai kịp thời và hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo an ninh thị trường, an toàn sức khỏe cộng đồng, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Công tác chống buôn lậu, hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là người dân.

Theo đó, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; tạo bước chuyển biến đột phá trong quản lý thị trường, gắn với công tác sắp xếp lại đơn vị hành chính, nhằm phân định rõ trách nhiệm, tránh chồng chéo và bỏ sót trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, cơ chế pháp lý cũng sẽ được rà soát và hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn.

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước yêu cầu các đơn vị trực thuộc bám sát sát tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa, đặc biệt là nhóm mặt hàng thiết yếu, dễ bị lợi dụng để đầu cơ, buôn lậu, như: sữa, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, xăng dầu, đường, thuốc lá, phân bón… Chủ động phát hiện sớm các biến động bất thường và các điểm nóng nổi cộm, để kịp thời có phương án kiểm tra, xử lý hiệu quả.

Ngoài các điểm bán lẻ truyền thống và đại lý không chính thức, đợt cao điểm lần này đặc biệt chú trọng kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội – nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước yêu cầu ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý thị trường, xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung trong toàn lực lượng quản lý thị trường và liên thông với các cơ quan chức năng khác. Việc này nhằm hỗ trợ việc dự báo nguy cơ, xác định điểm nóng và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Đồng thời, việc sử dụng truyền thông sẽ được đẩy mạnh để phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng. Các tổ chức, cá nhân sản xuất – kinh doanh sẽ được mời ký cam kết không tham gia buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là trên nền tảng số.

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cũng yêu cầu kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động công vụ của công chức do cấp mình quản lý, kịp thời đôn đốc thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng và đúng thời hạn. Những cá nhân, tập thể bao che, tiếp tay cho vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Ngược lại, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc sẽ được khen thưởng xứng đáng, tạo động lực thi đua tích cực trong toàn ngành.

Tại địa phương, các Chi cục Quản lý thị trường – cơ quan tham mưu cho Sở Công Thương và UBND tỉnh/thành phố – được yêu cầu triển khai ngay công tác giám sát, kiểm tra trên địa bàn phụ trách. Cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, tổ chức kiểm tra đột xuất tại các khu vực trọng điểm như kho hàng, bến bãi, điểm tập kết, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, làng nghề…

Trọng tâm của đợt kiểm tra là những mặt hàng có nguy cơ bị lợi dụng để đầu cơ, trục lợi. Cục đặc biệt nhấn mạnh việc kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa

Để đảm bảo hiệu quả triển khai, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc:

Theo đó, Phòng Nghiệp vụ Quản lý thị trường: Chủ trì triển khai kế hoạch, tổ chức kiểm tra đột xuất, phối hợp với địa phương xử lý vi phạm và tiếp nhận thông tin từ đường dây nóng;

Phòng Chính sách – Pháp chế: Rà soát, đề xuất sửa đổi thể chế, phân định rõ trách nhiệm giữa các lực lượng, hướng dẫn pháp lý và kiểm tra công vụ;

Các Sở Công Thương địa phương: Chịu trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường triển khai đợt cao điểm từ ngày 17/5 đến 17/6/2025, đồng thời duy trì kiểm tra trong các tháng tiếp theo;

Văn phòng Cục: Đảm bảo điều kiện hậu cần, kỹ thuật, vận hành hệ thống thông tin (INS), đồng thời đề xuất khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực.

Lãnh đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ trực tiếp xuống các địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc thực hiện, thể hiện quyết tâm cao của ngành trong công tác chỉ đạo điều hành.

Tất cả các hoạt động trong đợt cao điểm này đều hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo vệ thị trường lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.

Nguyễn Kiên