Nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, ngay trong năm 2020, nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí và các khoản thu ngân sách nhà nước được các cơ quan có thẩm quyền ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành: Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị định số 109/2020ANĐ-CP ngày 15/9/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng trả tiền thuê đất.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành: Nghị quyết số 107/2020/QH14 ngày 10/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020; Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm nghĩa vụ của người nộp thuế thông qua tăng mức giảm trừ gia cảnh; Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 ngày 27/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/8/2020 đến hết ngày 31/12/2020 để hỗ trợ ngành hàng không.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các Bộ rà soát, ban hành 21 Thông tư để sửa đổi 31 Thông tư thu phí, lệ phí hiện hành theo hướng miễn hoặc giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí.

Về kết quả triển khai các giải pháp: Ngành thuế đã triển khai nhanh chóng, hiệu quả các giải pháp đến từng nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách.

Sang năm 2021, Bộ Tài chính đã báo cáo các cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí để tiếp tục hỗ trợ về nguồn vốn, dòng tiền cho doanh nghiệp, cụ thể như:

Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2021 (Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021);

Tiếp tục thực hiện giảm mức thu hơn 30 khoản phí, lệ phí;

Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng trong năm 2020 và 2021;

Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân), tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19;

Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 về việc giảm 30% tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trình Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Tại Nghị quyết 406 có 4 giải pháp hỗ trợ: Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp; Miễn thuế cho hộ và cá nhân kinh doanh; Giảm 30% thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, dịch vụ; Miễn tiền chậm nộp của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Ước tính, các giải pháp về thuế, phí đã ban hành trong năm 2021 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khoảng 138 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm là 23 nghìn tỷ đồng).

Triển khai áp dụng hóa đơn điện tử là một trong những giải pháp mang tính đột phá của ngành thuế
Triển khai áp dụng hóa đơn điện tử là một trong những giải pháp mang tính đột phá của ngành thuế

Hiện đại hóa trong quản lý thuế

Ngành thuế đã thực hiện kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính kết hợp hiện đại hóa trong lĩnh vực quản lý thuế nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Để đồng hành với doanh nghiệp do bối cảnh dịch bệnh, ngành thuế đã hỗ trợ kịp thời và tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp kê khai hưởng các chính sách hỗ trợ về thuế, phí đã được các cấp có thẩm quyền ban hành với thủ tục đơn giản và bằng hình thức trực tuyến.

Đồng thời, để phù hợp với những thay đổi trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, ngành thuế tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thuế điện tử đối với các dịch vụ: Khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Đã có hơn 99,6% tổng số doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử; 98,7% nộp thuế điện tử. Việc đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thuế điện tử đã tạo thuận lợi cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế trong bối cảnh dịch Covid-19.

Một trong những giải pháp mang tính đột phá của ngành thuế, góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như chuyển đổi cách thức tổ chức, quản lý của cơ quan thuế để thích ứng với điều kiện mới đó là việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13/06/2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/09/2021 của Bộ Tài chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2022.

Hiện đã thực hiện thí điểm áp dụng hoá đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ, Hải Phòng. (Quyết định số 1830/QĐ-BTC, Quyết định số 1832/QĐ BTC, Quyết định số 1831/QĐ-BTC, Quyết định số 1833/QĐ-BTC, Quyết định số 1838/QĐ-BTC, Quyết định số 1839/QĐ-BTC).
Đối với doanh nghiệp, khi sử dụng hoá đơn điện tử theo chuẩn định dạng của cơ quan thuế và chuyển dữ liệu về cơ quan thuế thì giúp doanh nghiệp giảm chi phí giấy, mực in, vận chuyển và đặc biệt chi phí lưu trữ hóa đơn. Doanh nghiệp không phải lập báo cáo sử dụng hóa đơn, dữ liệu từ hóa đơn điện tử được kết nối tự động với phần mềm khai thuế giá trị gia tăng nên doanh nghiệp không mất thời gian lập Tờ khai thuế giá trị gia tăng. Khi nộp hồ sơ hoàn thuế, doanh nghiệp không phải gửi Bảng kê hóa đơn liên quan đến việc xác định số thuế giá trị gia tăng được hoàn. Hóa đơn điện tử có tính bảo mật cao vì sử dụng chữ ký số của người bán nên việc sử dụng hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy đã góp phần ngăn chặn, khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn.

Đối với cơ quan thuế, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp công tác quản lý thuế đạt hiệu quả cao hơn do hệ thống công nghệ thông tin dễ dàng truy vết hóa đơn để đối chiếu nhằm phát hiện nhanh và kịp thời các hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng hóa đơn khống để thực hiện các hành vi gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng, trong hạch toán chi phí cũng như khi thanh toán vốn ngân sách.

Việc áp dụng hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh sau đó mở rộng trên cả nước sẽ đáp ứng mục tiêu thực hiện chủ trương “Chuyển đổi số” của Chính phủ, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân góp phần xây dựng cơ quan thuế hiện đại, minh bạch, cung cấp dịch vụ thuế chuyên nghiệp.

Để cộng đồng doanh nghiệp có thể tận dụng được những hỗ trợ, những cơ hội để chuyển mình, phục hồi và phát triển, ông Vũ Xuân Bách - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khuyến nghị: Mỗi giải pháp hỗ trợ về thuế, phí đều quy định rõ đối tượng áp dụng và có thời gian áp dụng cụ thể, rõ ràng, thủ tục đơn giản, thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Mặc dù, cơ quan thuế đã thực hiện tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ, nhưng để tận dụng được những hỗ trợ thì doanh nghiệp cũng cần chủ động trong việc theo dõi, tìm hiểu về nội dung chính sách và thủ tục áp dụng các chính sách đã được đặc biệt lưu ý các biện pháp có thời hạn nộp hồ sơ, đề nghị thì cần phải thực hiện theo đúng quy định.

Về dài hạn, doanh nghiệp cần phát huy sự năng động, sáng tạo, ứng dụng các hình thức kinh doanh mới, chuyển đổi số để vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp cần đồng hành cùng chính quyền, người dân phòng chống dịch hiệu quả để nhanh chóng phục hồi và phát triển trong bối cảnh “bình thường mới”.

Minh Anh