Năm 2007, cam Vinh – đặc sản đầu tiên của Nghệ An được dán tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nâng tầm thương hiệu cam Vinh. Tính đến đầu tháng 8.2018, Nghệ An đã có 29 sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Truy xuất nguồn gốc đòi hỏi các hộ trồng cam phải sản xuất sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng được đảm bảo
Một số sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sau khi đăng ký, dán tem truy xuất nguồn gốc đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường như: Cam Vinh, tương Nam Đàn; nước mắm Vạn Phần; rau, củ quả Con Cuông; gà Thanh Chương; nước mắm thủy sản Nghệ An; rượu cam Con Cuông; ổi, bơ, dứa, thanh long, táo, đậu xanh, tỏi, cà phê và hạt tiêu của huyện Nghĩa Đàn.
Việc sử dụng logo và hệ thống nhận diện thương hiệu đã được bảo hộ độc quyền sẽ là giải pháp để người tiêu dùng nhận biết sản phẩm sạch, an toàn, rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, đây cũng là giải pháp để các địa phương, doanh nghiệp phải đầu tư đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản, tạo đầu ra bền vững và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản.
Theo Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nghệ An, tới đây sẽ có khoảng 10 sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn, trong đó có một số sản phẩm thuộc vùng dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Ổi Nghĩa Đàn (Nghệ An) được dán tem và truy xuất nguồn gốc
Ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cho biết: Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng nhận biết được tem truy xuất nguồn gốc. Để đạt hiệu quả, các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tránh tình trạng hàng hóa không đảm bảo chất lượng cũng dán tem và sử dụng tem giả để dán lên sản phẩm.
Bảo Ngọc (t/h)