Tuy nhiên, thời gian qua các hoạt động thương mại biên giới giảm sút, nguyên nhân chủ yếu là do năng lực cạnh tranh về xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh vào thị trường Lào, Thái Lan còn hạn chế. Hàng nhập khẩu qua cửa khẩu về Nghệ An chủ yếu là gỗ nhưng lại gặp khó khăn.
Gỗ từ Lào xuất khẩu vào Nghệ An còn gặp nhiều gặp nhiều khó khăn
Nguyên nhân ngày 13/5/2016, Chính phủ Lào đã ban hành Chỉ thị 15/TTg-CP về việc tăng cường nghiêm ngặt quản lý và kiểm tra việc khai thác, vận chuyển và kinh doanh gỗ. Theo đó, kể từ ngày 13/5/2016, Lào chấm dứt việc xuất khẩu các loại gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ tấm, hoặc rễ cây, thân cây, cành cây, u gỗ, cây sống hoặc cây dùng để làm vật trang trí được khai thác từ rừng tự nhiên, xuất khẩu ra nước ngoài trong mọi trường hợp.
Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động nhập khẩu gỗ giữa Nghệ An và Lào gặp nhiều vướng mắc. Các lối mở qua biên giới trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng đảm bảo quản lý nhà nước; chưa có lực lượng chức năng thường trực như hải quan, kiểm dịch (trên địa bàn Nghệ An hiện có 3 cửa khẩu phụ và 4 lối mở). Do đó một số doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ, chứng từ, đã vận chuyển và tập kết gỗ đến gần cửa khẩu phụ, lối mở biên giới thuộc đất Lào nhưng không thực hiện được việc nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới tại Việt Nam.
Hiện, Nghệ An có 90 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư, kinh doanh vào thị trường Lào. Tuy nhiên, số doanh nghiệp và kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Lào vào Nghệ An giảm mạnh. Năm 2016 có 30 doanh nghiệp hoạt động nhập khẩu gỗ từ Lào, giảm 41,18% so với năm 2015, với tổng kim ngạch 16,69 triệu USD, giảm 76,07% so với năm 2015. Đến năm 2017 thì số doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu gỗ từ Lào đã giảm về số lượng và kim nghạch nhập gỗ từ Lào vào Nghệ An.
Hàng hóa qua cửa khẩu Nậm Cắn, Nghệ An
Tỉnh Nghệ An đang tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân trong hoạt động xuất nhập khẩu và trao đổi, mua bán của cư dân biên giới. Áp dụng có hiệu quả hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia. VNACCS/VCIS trong việc thực hiện quy trình thủ tục hải quan và quản lý, giám sát, kiểm soát hải quan. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng chợ thuộc địa bàn nông thôn, biên giới, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2016 - 2020 của các bộ, ngành chức năng. Có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện cho thương nhân phát triển sản xuất kinh doanh, tổ chức mạng lưới thu mua sản phẩm hàng hóa, bán hàng phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân vùng biên giới.
Ngoài ra, tỉnh Nghệ An còn tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin về lĩnh vực đầu tư, lao động, chính sách ưu đãi, quảng bá, xúc tiến đầu tư, phát triển thương mại du lịch đối với các tỉnh biên giới của nước bạn Lào. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của tỉnh tăng cường hợp tác đầu tư kinh doanh sản xuất tại tỉnh Khăm Muộn và các tỉnh lân cận của Lào. Tiếp tục thực hiện chương trình đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tâng dịch vụ thương mại tại các xã biên giới...
Để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp hai nước, đại diện Sở Công Thương Nghệ An cũng đã đề nghị: Chính phủ Việt Nam kiến nghị Chính phủ Lào cho phép doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp đồng mua bán gỗ với doanh nghiệp Lào hoặc đầu tư các công trình tại Lào được trả bằng gỗ trước thời điểm Chỉ thị 15/TTg-CP của Thủ tướng Chính phủ Lào ban hành được phép tiếp tục nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới về Việt Nam đến hết thời hạn theo hợp đồng.
Mạnh Hùng