Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Nghệ An chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo trình tại hội nghị. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần đưa ra các chỉ tiêu để phấn đấu thực hiện. Xây dựng cơ chế để nâng cao chất lượng các sản phẩm nhằm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.
Nhiều ý kiến của các sở, ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo tại hội nghị xoay quanh các vấn đề: Ban chỉ đạo cuộc vận động, các cấp, các ngành cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động trong tình hình mới, về chủ trương của Đảng trong lãnh đạo thực hiện Cuộc vận động. Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về những sản phẩm chủ lực, có thương hiệu của Nghệ An, của Việt Nam gắn với kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn. Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Các ngành chức năng hỗ trợ quản lý nhãn hiệu các sản phẩm OCOP.
Ưu tiên công tác phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu đối với các sản phẩm OCOP Nghệ An. Tiêu chuẩn hóa các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương gắn với các hoạt động dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, hàng hóa Nghệ An có chất lượng thông qua website, các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, tổ chức vinh danh các doanh nghiệp sáng tạo, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Phối hợp tổ chức bình chọn các sản phẩm hàng Việt Nam, hàng Nghệ An chất lượng cao được người tiêu dùng tin cậy.
Để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành công, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông đề nghị phải thay đổi ý thức của người tiêu dùng để người tiêu dùng mua và sử dụng hàng Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu, sản xuất các loại hàng hóa có sức thu hút, chiếm lĩnh thị trường. Các cơ quan Nhà nước xây dựng các cơ chế chính sách để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam.
Một số giải pháp cụ thể gồm: Tập trung tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức và cách làm khác nhau, thông qua đó tạo ra ý thức, nhận thức mới trong người tiêu dùng. Trong đó, cần coi trọng vai trò của đảng viên, gia đình trong thực hiện Cuộc vận động. Các thành viên Ban chỉ đạo cần làm tốt công tác quản lý Nhà nước đối với việc quản lý chất lượng, quản lý giá cả các mặt hàng.
Tăng cường quảng bá hàng hóa, dịch vụ. Đối với các doanh nghiệp cần có chính sách chăm sóc khách hàng; tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Cùng với đó, kiên quyết đấu tranh phòng chống, xử lý nghiêm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Có hình thức biểu dương, khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể thực hiện tốt cuộc vận động.
Lê Quyết