Đây là chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” tại tỉnh Nghệ An.
Các đại biểu tham gia buổi truyền thông phòng, chống mua bán người
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (2016 – 2020), có 2.912 nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán. Trong số này, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đối tượng nam giới, trẻ em trai cũng có thể là nạn nhân mua bán người vì mục đích bóc lột lao động, mua bán nội tạng…
Chỉ tính riêng ở tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016- 2020, lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ 67 vụ, 113 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người; phát hiện, xử lý 03 vụ, 06 đối tượng có hành vi liên quan đến mua bán bào thai. Nạn nhân của mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái. Tình trạng buôn bán người chưa có giấu hiệu dừng lại, thậm chí còn diễn biến ngày càng phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Pano, áp-phích tuyên truyền về vấn nạn mua bán người
Phát biểu tại buổi lễ, bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh, trong những năm qua, Trung ương Hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức góp phần phòng ngừa từ gốc của nạn mua bán người, kêu gọi xã hội cùng chung tay hành động xây dựng môi trường sống an toàn cho mỗi người dân, hội viên phụ nữ.
Nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục phòng ngừa mua bán người được tổ chức tại cộng đồng, ở vùng miền núi, vùng cao, biên giới, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng; xây dựng, vận hành các CLB phòng chống mua bán người...
Thông qua những tiểu phẩm, phiên tòa giả định…, buổi thuyền thông đã mang đến nhiều thông điệp rõ ràng về hệ lụy, hậu quả của nạn buôn bán người cũng như những phương thức mà đối tượng buôn người thường dùng để dụ dỗ, lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm người mà đối tượng buôn người nhắm tới.
Linh An