Chương trình nghệ thuật đặc sắc ngợi ca sự kiện lịch sử Truông Bồn, tôn vinh những tấm gương hy sinh tuổi xuân, xương máu để tô thắm cho mảnh đất này diễn ra hằng năm, trở thành dịp ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, lan tỏa lòng yêu nước, tri ân, tưởng niệm người đi trước.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 55 năm chiến thắng Truông Bồn, với chủ đề “Truông Bồn – Dấu chân anh hùng” gồm các chương: “Trang sử vinh danh”, “Lửa hồng tiếp bước hướng tới tương lai”. Cuộc chiến đấu ở Truông Bồn được kể lại bằng hoạt cảnh, thông qua ký ức của những cựu chiến binh và cựu thanh niên xung phong, kết hợp với trình diễn tranh cát, trình diễn drone.
Các tiết mục “Những ngôi sao xa xôi”, “Có những tuổi 20 như thế”, “Linh thiêng Việt Nam”, “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò xứ Nghệ”, “Sống như những đóa hoa”, “Nghệ An trong trái tim tôi”, “Máu đỏ da vàng”, “Lá cờ”… ghi dấu sự nhớ ơn của thế hệ hôm nay, khắc họa chặng đường lịch sử cũng như những thay đổi của vùng đất Truông Bồn hôm nay.
Tại Chương trình, Ban Tổ chức đã trao 14 sổ tiết kiệm tặng thân nhân 13 gia đình liệt sỹ thanh niên xung phong Truông Bồn và nhân chứng lịch sử Trần Thị Thông. Trao tặng 50 căn nhà tình nghĩa trị giá 2,5 tỷ đồng để cùng tỉnh Nghệ An chung tay thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội.
Phát biểu tại Chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng biểu dương, đánh giá cao các thành tựu toàn diện về kinh tế - xã hội của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Nghệ An đạt được trong những năm qua. Đặc biệt là công tác chăm sóc người có công, quan tâm xây dựng địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
“Tôi mong muốn các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng được triển khai sáng tạo, hiệu quả, tiếp tục nhận được sự đồng hành của toàn xã hội; doanh nghiệp và nhân dân cả nước cùng chung tay chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, cựu Thanh niên xung phong và người có công với cách mạng.
Đặc biệt, tôi đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An cùng sự đồng hành của Báo Nhân dân, các cơ quan ban, ngành cần có kế hoạch bảo tồn lâu dài và phát huy hiệu quả giá trị lịch sử, văn hoá, truyền thống tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông bồn", Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Cung đường huyền thoại Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, đây là nơi kết nối các huyết mạch giao thông từ hậu phương miền Bắc chi viện cho miền Nam. Nắm được vị trí chiến lược nơi đây, nhằm cắt đứt mạch máu giao thông của ta, từ năm 1964 - 1968, Mỹ đã trút xuống nơi đây 18.936 quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa, tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường, sát hại nhiều người dân xã Mỹ Sơn, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương; phá hủy hàng trăm ô tô và hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta; hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ bị thương; 1.240 cán bộ, chiến sỹ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh.
Để giữ vững mạch máu giao thông, đào đắp hàng triệu m3 đất đá, đưa hơn 94 nghìn lượt xe cơ giới, vận chuyển và giải tỏa hơn 1 triệu tấn hàng vượt qua Truông Bồn, theo sát các đoàn quân vào chiến trường miền Nam.
Tháng 10/1968, 13 chiến sĩ thanh niên xung phong của “Tiểu đội thép” đã anh dũng hy sinh, làm nên khúc tráng ca Truông Bồn bất tử. Với vị trí đặc biệt trọng yếu trên tuyến đường 15A huyết mạch, bảo đảm vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, Truông Bồn đã ghi đậm những chiến công đánh Mỹ, những gian khổ, hy sinh của lớp lớp thanh niên xung phong, những người lấp hố bom, mở đường không biết mỏi, những người đứng giăng hàng làm “cọc tiêu sống” cho xe đi trong đêm tối.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, khói hương chưa bao giờ tắt ở nơi chiến trường từng một thời khói lửa. Truông Bồn đã đi vào lịch sử như một huyền thoại sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng.
Lê Quyết