Trong những năm qua, công nghiệp của tỉnh Nghệ An đã có sự phát triển mạnh mẽ. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 so với năm 2010 đạt hơn 34 nghìn tỷ đồng; Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 5 năm giai đoạn 2011-2015 đạt 15,44%; Giá trị Công nghiệp – Xây dựng chiếm 39-40% tổng sản phẩm xã hội của tỉnh. Trong đó, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cũng đã có những đóng góp đáng kể.

Trên đà phát triển, mục tiêu chính được tỉnh phấn đấu là giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ tăng bình quân 9-10%/năm, đến năm 2025 chiếm từ 10-12% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và tăng dần tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, đến năm 2020 chiếm khoảng 20% giá trị xuất khẩu.

Với chủ trương trên, tỉnh Nghệ An dự kiến sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thu hút đầu tư các tập đoàn công nghiệp để tạo vệ tinh phát triển các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Nghệ An: Tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ - Hình 1

Sản xuất linh kiện điện tử tại Nhà máy BSE, Khu Công nghiệp Nam Cấm (Nghệ An)

Đáng lưu ý, giai đoạn 2018 - 2025, tỉnh phấn đấu đưa số lượng doanh nghiệp tăng bình quân 3%/năm để đến năm 2025 số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chiếm từ 10 -12% số lượng doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp; trong đó có từ 20 - 30 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đóng trên địa bàn có thể tham gia cung ứng cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn.

Mặc dù đạt được kết quả tích cực, nhưng nhìn chung ngành công nghiệp hỗ trợ  tại Nghệ An còn nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm đơn điệu, chưa đáp ứng yêu cầu đúng nghĩa phụ trợ cho các nhà đầu tư, các dự án đang xây dựng trên địa bàn.

Thống kê cho thấy, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tỉnh Nghệ An có khoảng 85 doanh nghiệp, chiếm 24,15% số doanh nghiệp trong các ngành có công nghiệp hỗ trợ và chỉ chiếm 7,6% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp.

Không những thế, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhìn chung còn yếu và thấp hơn mức trung bình cả nước, chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Mặt khác, số lượng doanh nghiệp trên các lĩnh vực còn ít; thiếu các cơ sở sản xuất nguyên, vật liệu cơ bản như thép chế tạo, nguyên liệu nhựa, cao su kỹ thuật, hóa chất cơ bản, linh kiện ô tô; quy mô đa số còn nhỏ lẻ và chưa phát triển, chưa định hình rõ nét các lĩnh vực.

Đặc biệt, việc đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ những năm gần đây vẫn rất khiêm tốn, tổng vốn đầu tư đăng ký tính từ năm 2012 đến nay khoảng 44,82 triệu USD và 9.000 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 5,32% vốn đăng kỳ đầu tư vào ngành công nghiệp.

Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh Nghệ An đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ của tỉnh phát triển; ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh và khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển.

Hoàng Linh