Góc nhìn xã hội
Lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là, những năm gần đây, các địa phương thường tổ chức tựu trường đầu tháng 8, điều này làm ảnh hưởng tới thời gian nghỉ hè của học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc Dự thảo Bộ Giáo dục và Đào tạo “quy định” cứng thời gian tựu trường như vậy gây nhiều bất cập cho hệ thống các trường tư thục?
Một chuyên gia giáo dục phân tích, dự thảo bắt buộc tất cả các trường nghỉ hè 3 tháng, không được tập trung học sinh trước ngày 1/9, không được tổ chức dạy học trước ngày 5/9 có thể gọi là “đóng băng nghỉ hè”. Nhìn vào thực tế, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, học sinh đã phải ở nhà nhiều tháng, hoạt động học tập bị ảnh hưởng, áp lực học đã được giảm tải, việc dạy học online chỉ vớt vát phần nào, không thể đảm bảo được chất lượng như khi không có dịch bệnh. Câu hỏi đặt ra học sinh có cần ở nhà thêm 3 tháng hay không?
Nghỉ hè dài 3 tháng có thể gây nhiều bất cập cho các trường tư thục
“Trong khi đó, quãng thời gian nghỉ hè, nhu cầu học tập của học sinh là có, học sinh có quyền và nhu cầu tham gia các trại hè, chương trình trải nghiệm, lớp học bổ túc kỹ năng sống, bổ túc nâng cao trình độ ngoại ngữ, chương trình thể thao rèn luyện sức khỏe… nhu cầu đến trường được chăm sóc, rèn luyện nâng cao sức khỏe, trí tuệ hoàn toàn tồn tại. Mặt khác, con phải nghỉ học 3 tháng, phụ huynh vẫn phải đi làm, nhiều phụ huynh phải đối mặt với hàng loạt khó khăn với việc trông con, quản lý con như thế nào trong kỳ nghỉ hè dài 3 tháng?
Trong xã hội phức tạp, nhiều cám dỗ việc để con ở nhà tự do trong thời gian dài sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc đến trường sớm giúp học sinh thoải mái giao lưu với bạn bè, tham gia các hoạt động ngoại khóa bổ ích, nâng cao kiến thức, tăng cường rèn luyện sức khỏe, ngoại ngữ. Nhà trường là nơi gửi gắm con tin cậy, vừa vui chơi hè bổ ích vừa thêm kiến thức, an toàn lại giảm tải được áp lực vừa lao động và phải trông con của các bậc phụ huynh”, vị chuyên gia phân tích.
Dưới góc nhìn của một phụ huynh có 2 con theo học tại trường tư thục, chị Trịnh Phương (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, nghỉ hè 3 tháng là quá dài, đối với trường tư thục chỉ nên áp dụng nghỉ hè 2 tháng. “Quy định khung thời gian nghỉ hè và thời gian được dạy học là cần thiết, tuy nhưng cần linh hoạt với từng đối tượng mô hình trường học và không nên quá khắt khe, cứng nhắc áp dụng chung một chính sách cho tất cả các trường.
Các trại hè ở trường tư bổ trợ kỹ năng sống, hoạt động giáo dục trải nghiệm bổ ích giúp nâng cao hiệu quả giáo dục, chia sẻ nỗi lo vừa làm việc vừa phải trông con của các bậc phụ huynh
Dạy học có nhiều hình thức: Nếu các trường dạy chương trình chính thức là không được phép, nhưng đối với các hoạt động ngoại khóa, chương trình trại hè bổ ích, đào tạo kỹ năng sống, bổ trợ kiến thức ngoại ngữ, hoạt động thể thao rèn luyện sức khỏe nên được khuyến khích, được tự do tổ chức, không nên cấm triệt để”, chị Phương nói.
Anh Nguyễn Văn Hà (quận Cầu Giấy) bày tỏ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét có nên cấm triệt để việc dạy học trước ngày 5/9 hay không? Chính sách và quy định cần rõ ràng các trường không được dạy học chương trình chính trước thời gian quy định. Còn các chương trình ngoại khóa các trường được tự do quyết định, họ được tổ chức các chương trình ngoại khóa, bổ trợ kiến thức ngoại ngữ… hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chia sẻ gánh nặng áp lực vừa phải lao động vừa trông con đối với các gia đình phụ huynh học sinh. Việc tốt sao lại cấm?
Khó khăn mà trường tư thục phải gánh do ảnh hưởng của dịch Covid-19?
Dưới góc độ của người hiểu Luật, một phụ huynh khác phân tích, bất kể thời gian nghỉ hè 2 tháng hay 3 tháng. Trong thời gian đó, quyền nghỉ hè hay không nghỉ là quyền của học sinh, quyền được dạy học hay không dạy là quyền của nhà trường. Nhất là với các trường tư thục - doanh nghiệp giáo dục nếu để không cơ sở vật chất phải trả tiền thuê trong 3 tháng sẽ lãng phí nguồn lực.
Có thể nói, nhà trường, phụ huynh, học sinh luôn được làm những gì pháp luật không cấm. Nhu cầu được học ngoại khóa trong dịp hè của học sinh có tồn tại, nhu cầu được dạy học hè ở các trường tư là có thật, có cung thì có cầu. Trường tư thục cũng chính là doanh nghiệp giáo dục được phép hoạt động theo Luật doanh nghiệp, nếu cấm “dạy hè” có xâm phạm đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp hay không?
Những năm qua, nhiều trường tư thục đã và đang chung tay xây dựng nền giáo dục phát triển bằng các chương trình học tập ưu việt, sáng tạo giúp học sinh phát triển toàn diện
Theo tìm hiểu, đặc thù của các trường tư thục là doanh nghiệp giáo dục, cơ chế hoạt động tự thân tốn kém rất nhiều chi phí như: Đầu tư vào cơ sở vật chất, trả lương đội ngũ giáo viên 12 tháng, chi phí xây dựng chương trình riêng (ngoài chương trình của Bộ), chi phí đào tạo nâng cao năng lực giáo viên… nộp thuế cho Nhà nước.
Thời gian qua, bởi ảnh hưởng dịch Covid-19 các trường tư thục lâm vào cảnh lao đao vì khó khăn, do dịch bệnh phải cho học sinh nghỉ dài, dạy học online không thu tiền hoặc mức thu rất thấp, trong khi đó vẫn phải trả lương đều, nguồn thu hạn hẹp, nhiều chi phí tình cảnh rất khó khăn, có trường thua lỗ hàng chục tỷ đồng.
“Nhìn sang các trường công, giáo viên trường công nghỉ hè vẫn được nhà nước trả lương đầy đủ, trường tư là tự thân, nếu trường không hoạt động làm sao đảm bảo đời sống cán bộ giáo viên? Nên hãy cứ để năm học kéo dài 10 tháng đối với các trường tư thục là phù hợp chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển giáo dục”, một hiệu trưởng trường tư thục ở Hà Nội giãi bày.
Mai Anh