Khơi thông dòng vốn
Dù đây không phải là quyết định mang tính đột phá hay ưu ái riêng cho ngành NH, nhưng chắc chắn là động lực lớn để các TCTD, VAMC… đẩy nhanh tốc độ khơi thông dòng chảy vốn cho nền kinh tế.
Theo đánh giá NHNN, thời gian qua, các TCTD đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu; nỗ lực tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, phát mại tài sản, thu hồi nợ từ thi hành án, sử dụng dự phòng rủi ro… Kết quả xử lý nợ xấu của TCTD qua VAMC, lũy kế từ năm 2013 đến 31/3/2017, tổng số tiền thu hồi nợ qua VAMC đạt 53.236 tỷ đồng.
Theo NHNN, một điểm đáng chú ý trong Nghị quyết xử lý nợ xấu đó là các TCTD được quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Theo Nghị quyết mới, việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án BĐS tại các TCTD phải tuân thủ các điều kiện như dự án BĐS đó đã được cơ quan Nhà nước phê duyệt, có quyết định giao đất, cho thuê đất, dự án đó không có tranh chấp hay đã được thụ lý chưa giải quyết hoặc đang giải quyết tại Tòa án.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc xử lý tài sản bảo đảm sẽ tháo gỡ nút thắt, hỗ trợ cho xử lý tài sản thế chấp cầm cố thuận lợi hơn, minh bạch hơn theo thông lệ quốc tế. Ngoài ra, sẽ giúp làm lưu động hóa các tài sản bất động. Tức là các tài sản xưa nay không xử lý được, không chuyển nhượng được, không đầu tư được, không thanh lý được, cứ nằm ì một chỗ, thì từ nay sẽ được lưu động được, mua bán được.
Nghị quyết được ví như "liều thuốc" có thể phá bỏ "cục máu đông"...
Đặc biệt, đối với các dự án BĐS hay những tài sản thế chấp BĐS, trong quá trình xử lý nợ xấu sẽ đẩy ra thị trường nhiều sản phẩm trước đây đã bị cuốn chặt trong nợ xấu mà không thể mua đi bán lại được, nay những sản phẩm đó được tháo gỡ và đẩy vào trong thị trường trở thành một phần nguồn cung dồi dào hơn cho thị BĐS.
Phá vỡ “vòng kim cô” !
Nghị quyết giúp phá vỡ “vòng kim cô” cho các TCTD, VAMC bởi trước khi Nghị quyết ra đời, VAMC chỉ được bán nợ cho các tổ chức có chức năng kinh doanh, mua bán nợ. Nay Nghị quyết này ra đời, cho phép VAMC được tổ chức mua bán nợ cho các khách hàng có nhu cầu mua lại các khoản nợ xấu.
Ngoài ra, cho phép VAMC được chuyển đổi khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ mua theo giá thị trường. Điều này giúp các TCTD tiết kiệm thời gian không phải thêm công đoạn mua lại chính khoản nợ đã bán cho VAMC rồi mới mua bán theo giá thị trường.
Ông Đoàn Doãn Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp NHNN cho biết, việc này sẽ cải thiện chất lượng một cách bền vững hơn tài sản của TCTD. TCTD và VAMC bán nợ theo giá trị thị trường thu được nợ bằng tiền mặt để phục vụ cho việc mở rộng đầu tư, tín dụng mới, giải phóng vốn bị đọng trong các khoản nợ xấu, giảm chi phí cơ hội và cải thiện khả năng sinh lời của TCTD. Bên cạnh đó, TCTD cũng giảm được số nợ xấu bán cho VAMC bằng trái phiếu đặc biệt để xử lý dứt điểm nợ xấu và cải thiện chất lượng tài sản của của mình.
Có thể nói, Nghị quyết xử lý nợ xấu vừa được Quốc hội thông qua - được kỳ vọng như một liều "An cung ngưu hoàng hoàn" phá tan "cục máu đông" của nền kinh tế. Nghị quyết ra đời, sẽ giúp giảm chi phí tài chính của các TCTD, qua đó tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn NH của doanh nghiệp và của nền kinh tế.
Ngọc Linh