Ảnh minh họa
Liên quan đến gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng dành cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho hay, tính đến 30/6/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách người được hỗ trợ là 15,8 triệu người với tổng kinh phí 17.500 nghìn tỷ đồng.
Các đối tượng thụ hưởng tập trung vào 6 nhóm gồm: lao động bị chấm dứt hợp đồng, lao động không có giao kết hợp đồng, lao động tự do, hộ nghèo, cận nghèo, người có công.
Theo người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH, các địa phương đã chủ động triển khai gói hỗ trợ, đến nay cơ bản các đối tượng được thụ hưởng các gói chính sách, nhất là nhóm có số lượng đông, cơ bản nhất như người nghèo, cận nghèo, người có công, người mất việc, ngừng việc...
Lý giải về việc số tiền hỗ trợ ít, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, do dự báo số lượng người nhận hỗ trợ cao hơn thực tế. Ngoài ra, thời gian dự kiến giãn cách xã hội là 3 tháng nhưng thực chất chỉ diễn ra 1 tháng nên số tiền hỗ trợ giảm đi.
Về công tác thanh tra, kiểm tra giám sát, theo ông Dung, tổng đài 111 trực 24/24h với 6 điện thoại nóng đã tiếp nhận trên 50.000 thông tin tiếp cận; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ngành đoàn thể đã kiểm tra, giám sát 63/63 tỉnh, thành phố.
Theo thông tin từ Bộ trưởng Đạo Ngọc Dung cho biết, đến nay, ngoài tỉnh Thanh Hóa phải dừng toàn bộ hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo để rà soát lại thì cả nước mới chỉ phát hiện 3 thôn, bản có vi phạm thông qua giám sát và báo chí. Tất cả 3 thôn, bản này và những vi phạm tại tỉnh Thanh Hóa đều được ngăn chặn và xử lý nghiêm minh.
Về những sai sót trong việc chi trả tiền hỗ trợ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải thích, nguyên nhân do đối tượng đa dạng, dễ trùng lặp; các địa phương do sợ sai nên quá thận trọng dẫn đến chậm phê duyệt, chậm triển khai; một số địa phương khó khăn về kinh phí, có những đối tượng được phê duyệt rồi nhưng đến nay vẫn chưa được hỗ trợ.
Hoài Thu