Chuyến thăm diễn ra 3 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố về kỷ nguyên mới trong quan hệ Nhật-Mỹ tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Nhà Trắng.
Dự kiến, Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ có cuộc hội đàm "2+2" trong ngày 28/7 với những người đồng cấp Nhật Bản Yoko Kamikawa và Minoru Kihara.
Tiếp đó, vào ngày 29/7, ông Blinken và bà Kamikawa sẽ gặp Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar và Ngoại trưởng Australia Penny Wong, những người đồng cấp trong nhóm Bộ tứ (Quad).
Các nguồn thạo tin cho biết, Mỹ đang cân nhắc thành lập một tổ chức mới trong lực lượng Mỹ tại Nhật Bản để hợp tác chặt chẽ hơn với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF).
Tổ chức mới của Mỹ sẽ đóng vai trò là đối tác của một sở chỉ huy chung theo kế hoạch tại Nhật Bản, qua đó sẽ thống nhất quyền chỉ huy các lực lượng phòng vệ mặt đất, trên biển và trên không của SDF. Dự kiến, tổ chức mới này sẽ được thành lập với khoảng 240 nhân sự.
Các vai trò hiện nay của lực lượng Mỹ tại Nhật Bản chỉ giới hạn ở việc quản lý các căn cứ quân sự cùng một số nhiệm vụ khác, trong khi việc chỉ huy quân đội và phối hợp với SDF thuộc thẩm quyền của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ có trụ sở tại Hawaii.
Giới quan sát cho rằng, các cuộc đàm phán an ninh "2+2" cũng sẽ đề cập việc tăng cường cam kết "răn đe mở rộng" của Washington nhằm sử dụng các năng lực quân sự của mình, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ Nhật Bản.
Bà Naoko Aoki, nhà khoa học chính trị thuộc Tổ chức tư vấn RAND cho biết, việc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, hoạt động hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và xung đột ở Ukraine đã khiến Nhật Bản lo lắng về an ninh.
"Điều quan trọng đối với Mỹ là phải trấn an Nhật Bản về cam kết của mình và gửi tín hiệu tới các đối thủ tiềm tàng rằng, liên minh vẫn vững mạnh và Mỹ cam kết sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết để bảo vệ Nhật Bản", bà Naoko Aoki nói với AFP.
Nguồn AFP, Kyodo