Chung cư “nhồi” ngõ hẹp
Tại phố Chính Kinh chỉ rộng chừng hơn 4 m, lượng cư dân đi lại trên con phố đã tăng hơn khi có nhiều căn hộ, nhà trọ cho sinh viên, người ngoại tỉnh thuê ở. Nay, người dân còn lo ngại hơn khi Dự án chung cư Sapphire Palace cao 21 tầng hoàn thành và đưa vào sử dụng...
Các tuyến phố nhỏ liền nhau như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Ngụy Như Kon Tum… đang bị hàng loạt dự án chung cư với lượng căn hộ “khủng” bao vây. Đơn cử, Dự án Chung cư Impreria Garden tại 203 Nguyễn Huy Tưởng được xây gồm 4 tòa tháp cao từ 27 - 35 tầng, tổng số hơn 1.600 căn hộ.
Ngõ 102 Trường Chinh là điển hình về một hẻm 2 chung cư. Dự án MeCo Complex được xây dựng diện tích khoảng 22.000 m2, gần 500 căn hộ gồm nhiều block đã đưa vào sử dụng từ năm 2013. Cách đó chưa đến vài chục mét là Dự án Chung cư Capital Garden, do Tập đoàn Kinh Đô TCI làm chủ đầu tư, triển khai xây dựng với mật độ xây dựng 42%, bao gồm 21 tầng nổi, 2 tầng TTTM và 3 tầng hầm. Ngõ này quá hẹp, chỉ cần 2 xe ô tô đi ngược chiều, giao thông sẽ ùn ứ ngay lập tức. Trong khi, việc cả 2 chung cư đồng loạt đi vào hoạt động, nếu tính trung bình có 3 người sinh sống/căn hộ, sẽ có gần 3.000 người chuyển đến. Đó là chưa tính số lượng ô tô con dồn về vượt ngưỡng chịu tải của con đường “ruột mèo”.
Lãnh đạo một DN xây dựng nhận định, sở dĩ ngày càng có nhiều DN lựa chọn những mảnh đất xen kẹt nằm sâu trong ngõ, ngách đầu tư, tìm mọi cách để xin cấp phép dự án là do tỷ suất lợi nhuận và tính thanh khoản của những dự án trong khu vực trung tâm luôn cao hơn rất nhiều so với các khu vực ngoại thành. “Xây dựng chung cư tại các tuyến phố này sẽ dễ bán hơn vì nhu cầu của người mua lúc nào cũng tăng cao, bởi lẽ nó thuận tiện cho công việc, sinh hoạt, cũng như học tập của con cái”, vị này cho biết.
Việc “nhồi nhét” chung cư trong ngõ nhỏ sẽ gây ra nhiều hệ lụy
Quy hoạch bị phá vỡ
Hệ quả của việc “nhồi nhét” chung cư vào nội đô đã thấy rõ, quy hoạch bị phá vỡ, quá tải hạ tầng, giao thông. Theo giới chuyên môn, dù việc xây dựng cao ốc trong ngõ hẹp, về thực tế không được khuyến khích. Nhưng do các CĐT chạy đua lợi nhuận, do đó, nếu nhà đầu tư có nhu cầu phát triển chung cư ở các "điểm nóng", có thể xem xét, nhưng phải đóng góp khoản kinh phí đầu tư mở rộng hạ tầng, đáp ứng yêu cầu xây dựng...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc mở rộng về hạ tầng giao thông thường được các CĐT bỏ ngỏ mà đùn đẩy trách nhiệm sang cho các cơ quan nhà nước dẫn đến tình trạng giao thông luôn tắc nghẽn.
Nhiều dự án tại Hà Nội đã phá vỡ tiêu chuẩn về tỷ lệ xây dựng mà Bộ Xây dựng đã quy định. Chẳng hạn, Dự án Imperia Garden (203 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân), không đáp ứng được các tiêu chuẩn mà Bộ Xây dựng đã quy định như không đủ về diện tích trồng cây xanh, không đáp ứng tối thiểu về không gian sống...
Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Phạm Sỹ Liêm, cần xem xét ngay từ khâu cấp giấy phép xây dựng. Mặt khác, cần nghiên cứu đến phương án khi CĐT muốn xây dựng công trình cần thực hiện chủ trương xã hội hóa, đầu tư cơ sở hạ tầng, tránh tình trạng “ăn sẵn” hạ tầng như hiện nay.
KTS. Đào Ngọc Nghiêm cũng lên tiếng, chính vì dự án nhà cao tầng trong ngõ, ngoài đường phát triển quá nhanh, trong khi hạ tầng giao thông không theo kịp nên các tuyến đường thường xuyên quá tải.
Có thể thấy, bức tranh quy hoạch của Hà Nội sẽ ngày càng trở nên rối rắm hơn nếu cứ tiếp tục có thêm nhiều chung cư được phép “chui” vào các ngõ nhỏ, phố nhỏ như hiện nay, kèm theo đó là nhiều hệ lụy khác sẽ phải đối mặt. Vì vậy, cần “siết” lại quản lý từ người cấp phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch và CĐT.
Ngọc Linh