THCL Trước việc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đơn phương thông báo lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông đối với Việt Nam, cơ quan chức năng khuyến cáo ngư dân các tỉnh thành lập những tổ, đội liên kết ra khơi đánh bắt thủy hải sản, khẳng định chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Ngư dân: Chủ động liên kết vươn khơi - Hình 1

Tự tin bám biển

Ngày 27/2, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thông báo lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông từ 12 giờ ngày 1/5 - 16/8 với Việt Nam. Ghi nhận tại các địa phương cho thấy ngư dân vẫn sẽ ra khơi bình thường.

Tại Nghệ An, để khai thác tiềm năng hải sản biển, đội tàu trên địa bàn tỉnh Nghệ An phát triển theo hướng giảm dần loại tàu thuyền có công suất dưới 20CV, số tàu có công suất lớn khai thác xa bờ tăng khá nhanh phục vụ đánh bắt vùng khơi, giảm dần hoạt động khai thác ven bờ.

Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh) cho biết: “Các địa phương có ngư dân đánh bắt thủy hải sản trên biển đang chờ Tổng cục Thủy sản hướng dẫn cụ thể để phổ biến đến ngư dân. Quan điểm của chúng tôi là vùng biển truyền thống của ta, ta cứ đánh bắt bình thường”.

Ông Lê Quang Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN&PTNT Thanh Hóa) nói: Năm nào cũng vậy, phía Trung Quốc ra lệnh cấm biển một cách rất vô lý nhằm làm khó dễ cho ngư dân Việt Nam. Do đó, Chi cục sẽ có công văn gửi các địa phương trong tỉnh, khuyến cáo bà con bám biển theo mô hình tổ - đội liên kết sản xuất, đoàn kết, hỗ trợ nhau trong khi đánh bắt trên các ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT): Chúng ta quản lý khu vực phía tây, còn Trung Quốc quản lý về phía đông của đường phân định Vịnh Bắc Bộ. Theo đó, Việt Nam và Trung Quốc xác định phạm vi phân định và xác định đường phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ đi qua 21 điểm có tọa độ địa lý xác định, nối các đoạn thẳng với nhau. Việt Nam được 53,23% diện tích vịnh, Trung Quốc được 46,77% diện tích vịnh. Tàu thuyền bấy lâu nay của ngư dân ta đánh bắt ở đâu thì cứ việc tiếp tục đánh bắt ở đó.

Mới đây, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam đã ký Tuyên bố phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên biển Đông và coi lệnh áp đặt này là vô giá trị. Theo đó, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam khẳng định quyết định đơn phương của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam kêu gọi ngư dân và đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam tiếp tục ra khơi bám biển, đoàn kết, hỗ trợ nhau trong đánh bắt thủy hải sản; bình tĩnh, tỉnh táo, kiên trì đấu tranh, tránh xung đột để không làm gia tăng căng thẳng trên các ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam tiếp tục có các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ ngư dân khai thác thủy hải sản tại các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Những “cột mốc sống”

Gần 20 năm gắn bó với nghề biển, ngư dân Vũ Văn Thắng (xóm 4, xã Kim Đông, Kim Sơn, Ninh Bình) cho biết, nghề đi biển rất vất vả và cần nhiều kinh nghiệm. Trước đây, khi điều kiện còn khó khăn, các máy móc phục vụ công việc còn thô sơ nên người đi biển phải dựa vào kinh nghiệm cha ông để lại và tự đúc kết kinh nghiệm cho bản thân. Mỗi năm, thu nhập từ đánh bắt cũng thu gần 300 triệu đồng và tạo việc làm cho 20 thuyền viên.

Đối với anh Thắng, khi gắn bó với thuyền với biển càng lâu, anh càng thấm, hiểu sâu sắc về chủ quyền vùng biển và dành tình yêu đặc biệt cho những con sóng. Bởi vậy, không chỉ tích cực phát triển kinh tế cho bản thân, anh Thắng còn luôn tuyên truyền, vận động các chủ thuyền, cùng thuyền viên vươn khơi, bám biển, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế.

Năm 2014, Tổ tàu thuyền An Toàn ở xã Kim Đông thành lập, anh Thắng đã được các ngư dân tin tưởng bầu làm Tổ trưởng tổ tàu thuyền An Toàn.

Đại úy Trịnh Văn Thành, Trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Lạch Càn (Đồn Biên phòng Kim Sơn) đánh giá: Anh Thắng là người có trách nhiệm, năng nổ, nhiệt tình, đã cùng với các thuyền viên Tổ tàu thuyền An Toàn tích cực trong việc tham gia đánh bắt thủy hải sản, phát triển kinh tế gia đình; cùng với bộ đội biên phòng tham gia giữ gìn, bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển - an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Đại úy Trịnh Văn Thành chia sẻ: “Trước mỗi chuyến đi biển, các cán bộ biên phòng đều xuống tàu gặp gỡ động viên, thăm hỏi và thông báo tình hình trên biển cho ngư dân và cung cấp tần số, số điện thoại để khi cần liên lạc về đất liền. Khi phát hiện tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển, các vụ việc vi phạm trên biển, ngư dân nhanh chóng liên lạc thông báo cho cơ quan chức năng. Đặc biệt, những lúc gặp sự cố trên biển, sự phối hợp giữa cơ quan chức năng và ngư dân đều rất kịp thời, nhiệt tình như những người anh, người em trong gia đình”.

Trong những năm qua, cán bộ, chiến sỹ biên phòng cả nước đã và đang làm tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, luôn là chỗ dựa tinh thần, niềm tin vững chắc cho ngư dân mỗi khi vươn khơi làm ăn trên biển. Ngoài việc tuyên truyền cho các tàu làm ăn trên biển, khi ngư dân đến đăng ký ra vào bến, cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng còn tranh thủ thời gian tàu đang neo đậu tại bờ để tổ chức tuyên truyền, cung cấp cho ngư dân những nội dung cơ bản về Luật Biển Việt Nam, các hiệp định, quy chế về vùng đánh cá, các nội quy, quy định khi đánh bắt trên biển.

Bên cạnh đó, các trạm còn cử cán bộ xuống địa bàn nắm tình hình an ninh nông thôn, tham mưu cho chính quyền địa phương, có biện pháp phù hợp nhằm xử lý, ngăn chặn, tránh để xảy ra điểm nóng, gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Theo PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi: Với mỗi ngư dân, mỗi con tàu khi vươn khơi bám biển sẽ là một “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền thiêng liêng trên vùng biển Tổ quốc. Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội biển, đảo bền vững, cần tập trung triển khai thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế. Cần chú trọng quy hoạch và tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển, đảo và có cơ chế phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế biển, đảo.

Tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” dẫn đến sự phân tán, nhỏ lẻ thiếu tập trung giữa các địa phương với cả vùng, giữa địa phương với từng ngành, mà cần có sự liên kết, phối hợp với nhau. Mặt khác, ở mức độ phù hợp cần tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nước để thu hút nguồn vốn đầu tư, hình thành những dự án phát triển kinh tế liên hoàn, tăng cường trao đổi, xuất khẩu.

Hoan Nguyễn – Nguyễn Thắng