Liên quan đến vấn đề sáp nhập quận Hoàn Kiếm, tại buổi đối thoại, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Chương Dương, Hoàn Kiếm (Hà Nội), Phạm Chi Linh nêu câu hỏi về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 35 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 - 2030.
Trong đó, Hà Nội có quận Hoàn Kiếm và 176 xã, phường tại 26 quận, huyện, thị xã thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính. Nhân dân và dư luận rất quan tâm, muốn biết chủ trương, quan điểm của thành phố trong việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm. Bởi đây là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô, có bề dày truyền thống về văn hóa, lịch sử.
Thông tin về nội dung này, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đinh Tiến Dũng cho biết:
Ngày 7/8, thường trực Thành ủy đã họp, thống nhất cao quan điểm và sẽ có chỉ thị về vấn đề này. Hà Nội sẽ thành lập ban chỉ đạo, xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính.
Tinh thần của Hà Nội là thực hiện nghiêm quy định của Trung ương. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất hệ trọng, nhạy cảm, nhiều tâm tư, gắn với đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị. Hà Nội sẽ rà soát, thống kê theo tiêu chí cứng là diện tích và dân số. Bên cạnh đó, có một tiêu chí rất quan trọng là văn hóa, lịch sử. Tiêu chí này, cũng đã được nêu trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, quận Hoàn Kiếm rất đặc thù, là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô; quận có bề dày truyền thống về văn hóa, lịch sử. Do đó, thành phố sẽ có báo cáo Trung ương về vấn đề này, trên tinh thần là bảo vệ giữ nguyên, ổn định quận.
Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Thủ đô, rộng 5,29 km2, dân số gần 156.000 người, với 18 phường. Đây là quận nhỏ nhất Hà Nội, nhưng là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô với 190 di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như Hồ Gươm, Đền Ngọc Sơn, Đền Bà Kiệu, Chùa Quán Sứ, Đình Kim Ngân, Chùa Báo Ân (Chùa Liên Trì), Tháp Báo Thiên, Đền Vua Lê...
Nguyễn Kiên