Nhìn vào những cái bàn gỗ, thớt gỗ chềnh ềnh ngoài trời…
Mỗi lần ra chợ, tạt qua các quầy thực phẩm, liếc qua những cái bàn, thớt, bao tải, sọt, làn đựng thịt, tôi lại thấy ghê ghê và liên tưởng đến những quầy bán thực phẩm bên xứ người.
Ở bên tây, người ta đựng thực phẩm bằng sọt nhựa, kim loại có phủ lớp chống gỉ. Bàn dùng để đặt, chặt, băm thịt là thứ kim loại cứng, phẳng, nhẵn (hợp kim chống gỉ), để khi chế biến đảm bảo không có mùn bám vào. Có thể nói, dụng cụ đồ nghề rất sạch sẽ.
![](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/08/29/1-1693273406.jpg)
Mỡ bẩn
Còn ở ta thì sao?
Đồ đựng (làn cói mây tre, bao tải…), người ta không mấy khi giặt, mà chỉ lau qua bằng giẻ, vì ở chợ, nhất là chợ cóc, chợ tạm, làm gì có nước; mang về nhà rồi, nhớ thì giặt, quên thì “ôi dào chuyện vặt!”. Trời nóng, chỉ qua vài ngày, những mẩu thịt vụn bám vào kẽ làn, bao tải sinh mùi hôi thối. Biết vậy, nhưng chẳng ai dại thay đồ mới, tặc lưỡi “thiên hạ ấy mà, ai hơi đâu!”.
Ngày ngày, thực phẩm sống vẫn được đặt trong những vật dụng ấy (chỉ trừ khi chúng không dùng được mới thay cái mới). Có người quăng cả con heo gọi “cân hơi” vắt ngang xe máy, chạy hàng chục cây số trên đường, mặc cho cát bụi, thậm chí phân, nước tiểu bắn vào.
Những cái bàn gỗ, thớt gỗ chềnh ềnh ngoài trời. Ai đó, xin được nước sạch thì tốt, không có bèn “nhượng tạm” phần nước rửa rau, rửa bát đĩa của cánh hàng ăn, dùng giẻ lau “4 mùa” cọ vội; ai không xin được nước thì chỉ dùng giẻ lau.
Mưa, nắng, gió bụi; chuột, bọ bò lên liếm láp; ruồi, muỗi… đậu vào “chén” ngập chân răng những mẩu thịt vụn trên các kẽ nứt, vết băm và “ỵ” luôn trên bàn, thớt. Sáng ra, thịt các loại lại được trưng bày la liệt trên bàn. Thịt được người ta quăng, ném trên bàn, chặt, thái, băm trên thớt.
Bởi thế, không ít thực phẩm mua về, dễ bị bám sạn, mùn. Thịt lợn nạc, rửa mãi cũng có thể hết sạn. Còn thịt bèo nhèo (nhất là thịt bò), rất khó rửa sạch; rửa hết bụi, mùn, chưa hẳn đã sạch. Như trên đã nói, độ ngấm của mùi qua sự ẩm, hơi nước từ các vật dụng để lưu cữ ngày nọ qua ngày kia, thật là phiền toái!
Ngoài ra, không ít “thượng đế” có tác phong… công nghiệp - nhờ rửa vội rồi thái thịt ngay tại bàn, về nhà chỉ việc bỏ vào xoong! Không ít người thích thịt bò bạc nhạc, mang về rửa qua quít rồi nấu món sốt vang (rất dễ mắc sạn, mùn).
![](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/08/29/2-1693273500.jpg)
Thực phẩm bẩn tẩm hóa chất
Đau bụng, ỉa chảy, ngộ độc thức ăn... rất có thể xảy ra trong những trường hợp ăn phải thực phẩm như trên.
Thứ nữa, ăn phải thực phẩm không được rửa kỹ càng, biết đâu những hạt sạn, bụi mùn gỗ bám vào thành ruột, phát sinh những căn bệnh khó lường…
Người tiêu dùng, đâu còn xa lạ với “mỡ bẩn - dầu bẩn”?
Đang cắn dở phong lương khô khoái khẩu, chợt anh bạn đồng nghiệp nhìn tôi, ái ngại: “Món ấy… Món ấy…”!
“Món ấy sao?” - Tôi buột miệng.
Anh bạn mặt tỉnh khô:
“Em tôi làm thuê cho một cơ sở chuyên sản xuất lương khô. Ôi dào, người ta gom tất tần tật các loại bánh quy bán ế ẩm – “hết đát” - mang về đưa vô máy nghiền... chế biến thành lương khô!”.
Thực hư không tỏ! Nhưng nghe thấy thì rùng mình!
Người tiêu dùng, đâu còn xa lạ với “mỡ bẩn”, “dầu bẩn”?
Trớ trêu thay, càng không xa lạ thì lại càng… gần!
![](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/08/29/3-1693273576.jpg)
Khi cơ thể phải tiếp nhận quá nhiều chất độc từ thực phẩm bẩn, sẽ gây tổn thương, hủy hoại tế bào gan
Chẳng nói đâu xa, ngay tại Thủ đô Hà Nội, ngày nào mà không có hàng nghìn, hàng vạn lượt người tiêu dùng xà vào nhà hàng, quán nhậu, quán cơm, quán phở, nem rán, bánh rán, quẩy rán, giò, chả…? Có quán nào lại không dùng tới mỡ, dầu; ai dám chắc như đinh đóng cột rằng quán này sạch, quán kia không sạch?
Bởi sự ganh đua, hám lợi, làm giàu theo kiểu chụp giật, cùng với sự suy nghĩ nông cạn “con gà tức nhau tiếng gáy”, “sống chết mặc bay”… mà có không ít người, hằng ngày, hằng giờ, thu gom hàng chục tấn thịt lợn thừa, ôi thiu, thịt thối, thậm chí thịt lợn chết từ khắp nơi với giá bèo rồi “chiết” thành mỡ nước (mỡ bẩn), chứa đầy các thùng phi, thùng tôn, can nhựa không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tuồn ra thị trường, bán theo cân, theo lít?
Đó là những kẻ thiếu đạo đức, vô liêm sỉ! Họ – không những tự hủy hoại mình, mà còn hủy hoại cộng đồng!
Còn nhớ quãng trước, người tiêu dùng phát rùng mình về việc có thông tin hàng trăm tấn dầu ăn được tái chế từ rác thải, vật liệu nhiễm độc của một nhà máy không phép (Đài Loan), tuồn sang 12 quốc gia và vùng lãnh thổ.
![](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/08/29/4-1693273368.jpeg)
Kiểm tra thực phẩm
Sau này, xuất hiện những loại dầu ăn trôi nổi, không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ đựng trong can, thùng, bọc trong túi nilon (có người còn đựng vào chai dán tem mác nhãn hiệu thương hiệu lớn để lừa người tiêu dùng), được bày bán công khai tại một số chợ ở Hà Nội với mức giá rẻ bằng 1/2, thậm chí chỉ 1/3 loại thông thường.
Mỡ bẩn, dầu bẩn đã nguy hại; còn được người ta tái (rán) đi tái lại không biết bao nhiêu lần - chế biến đủ các món ăn đặc sản, từ cao cấp tới bình dân, nó sẽ nguy hiểm tới đâu?
“Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa” giờ gần hay xa?
Nhiều người khoái khẩu các món đồ ăn rán như bánh rán, nem rán, chả thịt – cá rán, quẩy rán ngoài chợ...
Còn tôi, giờ đây không mấy mặn mà với những thức đó... Vì sao?
Ngày tôi công tác ở một tờ báo nọ, có lần, mấy anh chị em rủ nhau ăn bánh rán… vỉa hè gần cơ quan (đường Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội). Người ta rán - gọi là “luộc bánh” thì đúng hơn, trong 1 cái nồi lớn. Cái nồi cỡ ấy, có khi đổ tới hàng chục lít mỡ nước chưa đầy? Liệu rằng, với số lượng đó, mua mỡ lợn ngoài chợ, đem về rán lên thành mỡ nước, bao nhiêu kg cho đủ?
![](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/08/29/5-1693273639.jpg)
Heo “cân hơi” vắt ngang xe máy, chạy hàng chục cây số trên đường…
Tôi về công tác tại Thương hiệu & Công luận (cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam). Tại Thương hiệu & Công luận, phóng viên, trong những chuyến đi công tác cơ sở, đã kịp thời phanh phui nhiều vụ người ta mua tinh mỡ lợn bẩn, mỡ lợn thối, rồi về rán - chưng cất thành mỡ nước, bán ra thị trường, rẻ như bèo!
Từ đó, tôi bỏ hẳn cái gọi là “khoái khẩu bánh rán, quẩy”...
Tôi và nhiều người thường đặt câu hỏi:
Các mợ, các chị chuyên làm đồ rán, liệu rằng, có ai trong số họ chuyên ra chợ mua loại mỡ nước “rẻ như bèo” như nêu trên, về rán bánh rán, chả thịt - cá các loại, quẩy?
Thế mới có chuyện, những người thợ rán, họ đổ hàng chục lít mỡ nước - “luộc” các thứ bánh rán, chả thịt - cá các loại, quẩy...
Chứ không, nếu mua mỡ lợn ngon ngoài chợ, về rán, có mà lỗ chổng vó?
Đó là chưa kể: 1 nồi mỡ nước (được chế từ mỡ lợn bẩn, mỡ lợn thối) to như cái thúng, rán 1 lần rồi họ đổ đi ư? Làm gì có chuyện đó! Vậy là, cái nồi mỡ bẩn to như cái thúng kia, lại được rán đi rán lại nhiều lần!
Mấy năm trước, có những đại biểu Quốc hội bức xúc:
“Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa đang rất gần!”!!!
Các lực lượng chức năng đã thường xuyên ra quân kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và triệt phá nhiều ụ - tụ điểm mỡ bẩn chiên đồ ăn!
Nhưng xem ra, lâu nay, cái “vế” an toàn thực phẩm, thông tin những thứ bẩn hay đại loại tương tự như hóa chất... có vẻ như lắng xuống?
Liên quan vấn đề này, lâu nay, không có nhiều thông tin tuyên truyền?
Không biết “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa” giờ gần hay xa...?
Người tiêu dùng: Cách nào tránh, làm sao đảm bảo an toàn?
Theo các chuyên gia, mỡ bẩn, nếu rán ở nhiệt độ cao trên 180 độ C, sẽ sinh ra những chất gây hại như andehit, chất oxy hóa…; chúng sẽ bay hơi trong không khí, gây ô nhiễm và vô cùng nguy hiểm nếu hít phải.
Mặt khác, mỡ - nếu tái sử dụng, sẽ tạo ra nhiều cặn lẫn chung vào mỡ, ăn vào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhẹ thì đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, thở khó…; nặng thì, tim đập chậm, huyết áp tăng cao, có thể gây nên bệnh ung thư nguy hiểm đến tính mạng.
Tóp mỡ, mỡ lỏng được chế biến từ nguồn mỡ heo, bò không bảo đảm vệ sinh và bằng quy trình siêu bẩn, sẽ khiến người sử dụng bị mắc các dịch bệnh hết sức nguy hiểm, đặc biệt là bệnh ung thư.
Dầu ăn (chưa kể dầu bẩn), khi bị chiên nóng nhiều lần, thì thành phần hóa học sẽ thay đổi vì vitamin A, E và một số chất dinh dưỡng trong dầu bị phá hủy, xuất hiện một số chất độc như aldehyde, fatty acid oxide...
Tai hại hơn đó là quá trình chiên lại nhiều lần, dầu ăn sản sinh ra nhiều chất độc gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe với nhiều triệu chứng như khó tiêu, nhức đầu, đau bụng, tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch, huyết áp, tai biến mạch máu não, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer...
![](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/08/29/9-1693273909.jpg)
Người tiêu dùng, để mua được thực phẩm sạch theo đúng nghĩa thì không phải dễ?
Rõ ràng, những món ăn được chế biến từ mỡ bẩn, dầu bẩn, cực kỳ nguy hiểm đến sức khỏe.
Trong khi các cơ quan chức năng – dẫu tích cực triển khai xử lý vấn nạn này, song vẫn chẳng thấm tháp vào đâu so những gì đang diễn ra ngoài thị trường.
Đối với người tiêu dùng, chẳng lẽ lại cực đoan tới mức chẳng thèm quan tâm, cứ “máu là ăn, vui là uống” hay sao?
Người tiêu dùng, chớ nên mù quáng tới mức biết rõ đồ ăn nguy hiểm mà vẫn “đâm đầu” vào!
Các chuyên gia khuyên rằng:
Bạn không nên ăn đồ ăn chiên rán quá nhiều, đặc biệt không nên tái sử dụng dầu ăn cũ và nên hạn chế mua đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn để bảo vệ sức khỏe của mình. Đặc biệt là mẹ bầu, càng phải hạn chế đồ ăn chiên rán.
Thay vì đó, bạn nên ăn nhiều đồ luộc, hấp - Đây là cách chế biến thực phẩm rất an toàn và có thể đảm bảo giữ được các dưỡng chất có trong thực phẩm khi đã qua chế biến.
Nếu việc từ bỏ đồ ăn chiên rán quá khó, bạn có thể tham khảo sử dụng một số loại dầu ăn không gây hại cho sức khỏe. Cụ thể là bạn nên dùng dầu dừa, một số loại dầu thực vật khác để chế biến món ăn, vì chúng có chứa một lượng chất béo bão hòa rất thấp.
Nếu sử dụng một số loại dầu thực vật như dầu hướng dương, dầu oliu… là những loại dầu có chất béo chưa bão hòa cao, thì bạn cần lưu ý nên lựa chọn dùng loại nguyên chất và chế biến những món ăn nhiều nước để giảm nhiệt. Một cách phổ biến là có thể tưới lên các món salad…
Đương nhiên, vệ sinh an toàn thực phẩm, không có nghĩa chỉ chú trọng tới việc xem thực phẩm an toàn tới đâu, kể cả thực phẩm sống và thực phẩm chín bán ngoài chợ. Mà phải lưu ý tới tất cả những yếu tố tác động, xung quanh vấn đề “làm thế nào để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”?
Điều đó cũng có nghĩa, không nên coi thường, bỏ qua những trường hợp, thí dụ như thực trạng các dụng cụ, đồ nghề như đã nêu trên đây.
Xin có một vài lời khuyên đối với người đi mua thực phẩm.
Đó là người tiêu dùng, khi mua thực phẩm nên để ý một chút tới đống đồ nghề dụng cụ, xem nó có “sáng sủa” không.
Người tiêu dùng, không nên ham rẻ mà mua những miếng thịt vụn, thịt thừa bị ném vào một xó bàn, loại này thường là hỗn tạp dễ bị ôi, mắc nhiều mùn, sạn.
![](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/08/29/7777-1693273872.jpg)
Thực phẩm sạch
Người tiêu dùng, cần hạn chế mua thịt bạc nhạc, bèo nhèo. Bởi lẽ, loại này thường bám nhiều sạn và cũng thường là nơi “tụ họp” của các loại sán…
Người tiêu dùng “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”!
Theo các chuyên gia: Mỡ, dầu ăn, khi chiên, rán ở nhiệt độ cao (thường trên 180 độ C), sẽ xảy ra các phản ứng hóa học, sinh ra các chất aldehyt, chất o xy hóa... đều là những chất rất có hại cho sức khỏe. Nếu nấu ở nhiệt độ càng cao (như để cho dầu bốc cháy trên chảo), số lần nấu lại càng nhiều, thì lượng chất độc hại sinh ra càng lớn. Người nào, khi ăn phải chất độc hại trong dầu, mỡ này, có thể thấy các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, thở khó, tim đập chậm, huyết áp tăng cao, người mỏi mệt; ăn nhiều trong thời gian dài có thể bị ung thư.
Xuân Phong