Thời gian qua, sự nhập nhằng của rau an toàn (RAT) trên thị trường đã làm người tiêu dùng (NTD) mất niềm tin. Bên cạnh đó, có một thực tế đáng lo ngại là nhận thức về RAT của cả người bán lẫn người mua cũng như hoạt động cung ứng đều có những hạn chế. Để khắc phục, hệ thống giám sát PGS (hệ thống bảo đảm cùng tham gia) được xem là giải pháp ưu việt giúp nông hộ nhỏ sản xuất RAT chứng minh chất lượng sản phẩm.


Khó khăn trong công tác quản lý

Cuộc điều tra về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản phẩm rau tại các chợ bán buôn của Hà Nôi do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD) thực hiện năm 2013 cho thấy thực trạng đáng ngại về công tác quản lý ATTP với sản phẩm rau tại các chợ bán buôn của thủ đô.

Thực tế, việc quản lý RAT chưa được quy định trong chức năng, nhiệm vụ của các ban quản lý (BQL) chợ, cơ chế hành chính chồng chéo, thiếu hiệu quả do đó công tác quản lý ATTP đối với sản phẩm rau tại các chợ còn hạn chế, chưa được thực hiện một cách sát sao.

Trong khi công tác kiểm soát lỏng lẻo thì nhận thức và năng lực đảm bảo ATTP của cả người bán và người mua còn thấp, người bán chưa có động lực và sức ép về kinh doanh RAT nên RAT chưa có chỗ đứng tại các chợ. Khoảng 73% người bán buôn không phân biệt được RAT nếu không có các hỗ trợ kỹ thuật, tỷ lệ này ở nhóm người mua lên tới 95%. Đặc biệt đáng lo ngại là có tới 30% số người bán buôn rau được điều tra cho rằng, không cần thiết phải cung cấp RAT do kinh doanh RAT nhìn chung không có lãi, đầu ra không ổn định cả về số lượng và chất lượng.

Thêm vào đó, thực trạng hoạt động cung ứng rau trên thị trường hiện nay hầu hết dựa vào hoạt động của các thương lái, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ; mối quan hệ mua bán giữa các chủ thể chủ yếu thông qua thỏa thuận miệng trực tiếp, sự ràng buộc gắn kết giữa các chủ thể hầu như không có nên rất khó khăn trong chính sách và cơ chế quản lý ATTP tại các chợ đầu mối.

Một số hạn chế khác là lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP của nước ta còn hạn chế, hiện tại chỉ có khoảng 300 người. Tại tuyến cơ sở, nhất là xã phường, công tác kiểm tra ATTP còn buông lỏng, chỉ áp dụng hình thức nhắc nhở trong phần lớn các trường hợp vi phạm.

Mở hướng từ PGS

Để đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm hướng vào thị trường, thời gian qua hệ thống giám sát PGS đã được áp dụng. Tổ chức vận hành của hệ thống PGS dựa trên các liên nhóm. Để tham gia vào nhóm sản xuất, nông dân phải học hỏi kỹ thuật canh tác hữu cơ và các tiêu chuẩn PGS. Liên nhóm có vai trò như một điểm liên lạc của nông nghiệp hữu cơ và PGS địa phương, điều phối công tác thanh tra và giám sát chất lượng, ra quyết định chứng nhận và xử lý các vấn đề về gian lận hoặc sai phạm. Ý nghĩa quan trọng của PGS là người sản xuất tham gia vào tiến trình kiểm tra chéo lẫn nhau.

Tính ưu việt của hệ thống giám sát GPS là khuyến khích sự tham gia trực tiếp của nông dân và NTD vào quá trình chứng nhận sản phẩm, làm giảm bớt công việc giấy tờ sổ sách trong hệ thống, giúp những nông dân sản xuất nhỏ trong hệ thống có thể tham gia và đặc biệt là chi phí chứng nhận ở mức thấp.

Ông Dương Ngọc Thí, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, nhận định: “PGS là một hướng mới trong quản lý ATTP. Một số mô hình ở Phú Thọ, Lạng Sơn, Lương Sơn, Sóc Sơn cho thấy ưu điểm của hệ thống PGS. Điểm mới trong PGS chính là các hộ kiểm tra giám sát lẫn nhau và để kết nối các nhóm này với thị trường thì không có cách nào khác ngoài việc huy động sự tham gia của doanh nghiệp”.

Đến cuối năm 2012, cả nước đã có 29 nhóm đăng ký tham gia PGS với tổng số 225 nông dân sản xuất hữu cơ trên tổng diện tích 21,7 ha. Trong đó 24 nhóm đang hoạt động tốt. Trong năm 2012, các nhóm nông dân trong hệ thống đã cung cấp gần 200 tấn rau mang nhãn hiệu hữu cơ PGS cho thị trường Hà Nội.

Nguyễn Hoan