THCL Theo báo cáo của Nielsen ngày 17/1, hơn 6 trong 10 người tiêu dùng Việt trong nghiên cứu nói rằng họ đã mua sản phẩm thời trang (64%). Gần một nửa số người được hỏi nói rằng họ đã mua sách/các sản phẩm âm nhạc/văn phòng phẩm (51%) hoặc các sản phẩm dịch vụ du lịch (47%) trực tuyến.
Tết 2016 đang đến rất gần kéo theo sức mua hàng Tết của người tiêu dùng cũng tăng lên mạnh mẽ. Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống (chợ, siêu thị…) thì bán hàng online cũng góp một phần lớn các hoạt động mua sắm trong dịp Tết này.
Ở nước ta, mỗi dịp Tết, các mặt hàng kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát nổi lên không còn là chuyện lạ, đặc biệt là với sự phát triển của bán hàng online, hoạt động mua bán càng diễn ra sôi nổi.
Nắm bắt được xu thế này, các nhà bán lẻ truyền thống đang mở rộng sự hiện diện của họ trên các kênh trực tuyến, trong khi các nhà bán lẻ trực tuyến đang mở các cửa hàng vật lý. Nếu các doanh nghiệp mà chỉ nghĩ về các cửa hàng vật lý hay các cú nhấp chuột thì có thể sẽ tụt hậu nhanh chóng. Hai xu hướng mua hàng này là thực tế bán lẻ hiện tại và tương lai.
Người dùng Việt Nam còn có xu hướng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến mua sắm trực tuyến đa màn hình, nhiều người dùng cả laptop và mobile để mua sắm. Khi bắt đầu tìm kiếm một món hàng điểm bắt đầu là từ mobile. Có tới 65% người mua sắm online bắt đầu tìm kiếm sản phẩm từ mobile, sau đó có 61% trong số này quay trở lại tiếp tục mua hàng trên máy tính. Mobile là có tập khách hàng rất lớn với 35 triệu người dùng do đó tiềm năng của thương mại di động ở Việt Nam vô cùng lớn.
Tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước như Thế giới Di động, Aeon, Lotte đã tham gia vào thị trường thương mại điện tử. Họ có lý của họ, bởi tuy doanh thu bán lẻ từ thương mại điện tử mới chỉ chiếm 1% tổng doanh thu bán lẻ tại Việt Nam nhưng Việt Nam có hơn 90 triệu dân, số lượng người dùng Internet ngày càng nhiều. Với nhiều người, cuộc sống bận rộn khiến họ không có thời gian đến các cửa hàng để mua sắm nên họ tìm đến mua sắm trực tuyến.
Bà Lê Thị Hà (Cục TMĐT và Công nghệ thông tin) cho hay “Từ nay đến năm 2020, TMĐT trên nền tảng di động và mạng xã hội sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh. Với dân số hơn 90 triệu người, 127 triệu thuê bao di động, 21,9 triệu số thuê bao 3G, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển ứng dụng TMĐT”, bà Hà khẳng định.
Tại Việt Nam nhóm người tiêu dùng độ tuổi từ 21 – 29 tuổi dành nhiều thời gian nhất để online, lên đến 27,2 giờ mỗi tuần; tăng mạnh nhất so với các nhóm tuổi khác. Nhóm tuổi tiếp theo dành nhiều thời gian để truy cập trực tuyến là nhóm nhóm tuổi từ 40 trở lên, trung bình khoảng 22,6 tiếng/tuần.
Ngược loại, loại sản phẩm tiêu dùng đã chậm hơn trong việc đạt được tính phổ biến trong số những người mua hàng trực tuyến. Tuy nhiên điều này đang thay đổi, đặc biệt là với danh mục sản phẩm đáp ứng đặc biệt tốt các nhu cầu đặc biệt của người tiêu dùng.
Thực tế, bốn trong 10 người Việt (40%) nói rằng họ đã mua trực tuyến các sản phẩm chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm, thiết bị điện tử và sản phẩm CNTT / điện thoại di động. Và khoảng một phần tư cho biết họ đã mua các sản phẩm chăm sóc em bé và trẻ nhỏ (26%), các sản phẩm ăn uống được chuyển tận nơi từ các nhà hàng (26%) hoặc thực phẩm đóng gói (20%) trực tuyến.
Ngọc Linh