Nguồn cung và thị trường của các nước xuất khẩu gạo nhiều

Xuất khẩu gạo cao kỷ lục của Pakistan đang góp phần xoa dịu tình trạng nguồn cung bị thắt chặt sau các quy định hạn chế của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đồng thời gia tăng dự trữ ngoại hối cho Pakistan.

Ảnh internet.
Nguồn cung và thị trường gạo thế giới có nhiều thay đổi, gạo Việt Nam sẽ như thế nào? Ảnh internet.

Trước đây, gạo xuất khẩu của Ấn Độ chiếm gần 40% lượng gạo thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, năm ngoái, nước này đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không thuộc giống basmati và áp thuế xuất khẩu đối với gạo đồ.

Ông Chela Ram Kewlani, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Pakistan (REAP) cho biết, nước này đã ghi nhận nhu cầu gạo tăng mạnh trong vài tháng qua, chủ yếu do Ấn Độ ngừng xuất khẩu. Ông Kewlani dự đoán xuất khẩu gạo của Pakistan có thể tăng lên 5 triệu tấn trong năm tài chính 2023/24, so với mức 3,7 triệu tấn của năm ngoái.

Nhiều quan chức trong ngành thậm chí còn lạc quan hơn với dự đoán con số này có thể lên đến 5,2 triệu tấn, nhờ sản lượng tăng mạnh trong năm nay. Một thương nhân ở Ấn Độ cho biết Pakistan có thể sản xuất 9 - 9,5 triệu tấn gạo trong năm tài chính 2023/24. Thương nhân này dự đoán lượng gạo basmati xuất khẩu của Pakistan có thể tăng 60% trong năm nay lên 950.000 tấn, trong khi lượng gạo không thuộc giống basmati xuất khẩu có thể tăng 36% lên 4,25 triệu tấn.

Ông Aadil Nakhoda, phó Giáo sư của Viện quản trị kinh doanh ở Karachi, cho biết kim ngạch xuất khẩu gạo của Pakistan có thể đạt hơn 3 tỷ USD trong năm 2024, cao hơn mức 2,1 tỷ USD của năm ngoái.

Nguồn cung và thị trường gạo thế giới có nhiều thay đổi, gạo Việt Nam sẽ như thế nào?
Nguồn cung và thị trường gạo thế giới có nhiều thay đổi, gạo Việt Nam sẽ như thế nào? Ảnh internet.

Bình thường, Ấn Độ bán gạo không thuộc giống basmati với giá thấp hơn Pakistan. Khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, người mua đang chuyển sang gạo Pakistan. Ở Pakistan, giá gạo trong nước đang dần tăng lên dù sản lượng tăng. Pakistan đang bán gạo trắng 5% tấm ở mức khoảng 640 USD/tấn, và gạo đồ có giá khoảng 680 USD/tấn, tăng mạnh so với các mức lần lượt là 465 USD/tấn và 486 USD/tấn một năm trước.

Pakistan hiện xuất khẩu gạo không thuộc giống basmati chủ yếu sang Indonesia, Senegal, Mali, Bờ Biển Ngà, và Kenya và gạo basmati cao cấp sang Liên minh Châu Âu (EU), Qatar và Saudi Arabia.

Gạo Việt Nam

Việt Nam, Thái Lan và Pakistan đang cố gắng lấp đầy khoảng trống mà Ấn Độ để lại trên thị trường gạo. Nhưng với khoảng cách địa lý gần với các nước mua gạo ở Trung Đông, Châu Âu và Châu Phi, Pakistan đang có được lợi thế lớn.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An lạc quan cho rằng năm 2024, xuất khẩu gạo có thể tốt hơn khi chúng ta tận dụng được cơ hội thị trường.

Ảnh internet.
Nguồn cung và thị trường gạo thế giới có nhiều thay đổi, gạo Việt Nam sẽ như thế nào? Ảnh internet.

Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê nông, lâm nghiệp, thủy sản, Tổng cục Thống kê cho biết: Năm 2024 Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo bằng năm 2023 nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực.

Sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo và gạo  Pakistan lấn thị trường của Ấn Độ, Bộ Công Thương đã thực hiện các giải pháp phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu như: Đa dạng hóa thị trường; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp giữa hình thức truyền thống và trực tuyến nhằm duy trì, củng cố các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, khu vực Châu Phi và phát triển các thị trường mới, tiềm năng. Song song đó, đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, đánh giá, dự báo nhu cầu nhập khẩu và khả năng tiến hành xúc tiến thương mại gạo vào các thị trường nhập khẩu; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo Việt Nam.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Xuất/nhập khẩu gạo thế giới trong năm 2024 ước khoảng 52,1 triệu tấn (gạo xay xát), giảm 710.000 tấn so với mức dự báo trong tháng trước và giảm 270.000 tấn so với năm 2023. 

Hải Dương (t/h)