Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Giáng sinh (Noel) - Hình 1

(Ảnh minh họa)

Nguồn gốc của lễ Giáng sinh

Lễ Giáng sinh được cử hành chính thức vào ngày 25/12 nhưng thường được tổ chức từ tối ngày 24/12 bởi theo lịch Do Thái, thời điểm tính bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm.

Lễ chính thức ngày 25/12 được gọi là "lễ chính ngày", còn lễ đêm 24/12 gọi là "lễ vọng" và thường thu hút nhiều người tham dự hơn. Nhiều giáo hội Chính Thống giáo Đông phương như ở Nga, Gruzia vẫn sử dụng lịch Julius để định ngày này, cho nên lễ Giáng sinh của họ ứng với ngày 7/1 theo lịch Gregory.

Nguyên thủy, lễ Giáng sinh là của những người theo đạo Kitô giáo, nhằm kỷ niệm ngày sinh ra của người lãnh đạo tôn giáo mình, người mà họ cho là Thiên Chúa xuống thế làm người.

Nhưng dần dần, theo thời gian và qua các lễ hội của phương Tây, người ta tổ chức lễ Giáng sinh ngày càng linh đình. Kết quả là bây giờ, lễ Giáng sinh được xem là một ngày lễ quốc tế, với ông già Noel, cây Giáng sinh và cây thông noel.

Ý nghĩa lễ Giáng sinh

Ngoài ý nghĩa theo đạo Thiên Chuá, Noel là một ngày lễ gia đình, một ngày đặc quyền để tụ tập quây quần mọi người, mọi thế hệ trong gia đình. Lễ Noel tạo những kỷ niệm chung và duy trì tình cảm giữa mọi người trong gia đình. Mỗi người tìm được, bằng cách thức riêng của mình, để tạo dựng mối liên hệ, chia sẻ với nhau một bữa ăn chung, một đêm không ngủ, nghe thuật lại một câu chuyện, quây quần bên cạnh cây sa pin Noel…

Với địa vị ngày càng lớn lao của trẻ con trong gia đình, ngày Noel trở thành một buổi lễ của trẻ em, một đêm thần diệu mà hầu như tất cả mọi ước nguyện trẻ con được thành sự thật trong sự sung sướng của những người lớn.

Ngày Noel cũng là một thông điệp của hoà bình: “Vinh danh Thượng Đế trên cao – Bình an cho người dưới thế ” đây là câu được hát bởi những thiên thần báo tin sự xuất hiện của vị cứu thế và Noel cũng là ngày người ta chia sẻ với những ai bị bỏ rơi, bị cô đơn, bệnh hoạn, già yếu…

Hằng Vương (t/h)