Ngày Tết này sau đó du nhập vào Việt Nam. Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo Văn bia chùa Đọi năm 1.121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn...

Đến giờ vẫn, không ai biết Tết Trung thu có từ bao giờ, hoặc chính thức từ khi nào người Việt bắt đầu “ăn” Tết Trung thu. Sách “Việt Nam phong tục” của soạn giả Phan Kế Bính, có ghi lại rằng, Tết Trung thu còn gọi là Tết trẻ em, với tục treo đèn bày cỗ xuất phát từ điển tích liên quan đến lễ sinh nhật vua Đường Minh Hoàng, cả nước treo đèn kết hoa, lâu dần thành tục lệ. Và ở Việt Nam, do những ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa, cũng theo tục treo đèn vào đêm rằm tháng Tám.

Tục ngữ người Việt có câu: “Muốn ăn lúa tháng năm/ Trông trăng rằm tháng tám; Trăng trong được lúa mùa/ Trăng đục mờ được lúa chiêm.” Người dân trồng lúa nước xưa cũng quan niệm nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị…

Thứ nữa, Tết Trung thu thể hiện sự gắn bó của con người với thiên nhiên. Là cư dân của nền nông nghiệp lúa nước, cha ông ta từ ngàn xưa đã coi thiên nhiên như người bạn đồng hành gắn bó với mình, quen ứng xử hài hoà thân ái với thiên nhiên. Sùng bái tự nhiên trở thành một thứ tín ngưỡng linh thiêng của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trăng - đồng hành với nhịp hải hà, nhịp lên xuống của con nước, đã thành người bạn thân quen không thể thiếu của nhà nông.

Hình ảnh vầng trăng soi sáng những đêm tát nước đầu đình, những ruộng đồng bao la mùa gặt… đã đi vào trong văn thơ dân gian như biểu tượng của sự hoà hợp, gắn bó với thiên nhiên của người Việt.  Không phải ngẫu nhiên mà trong ngày Tết này, trong mâm cỗ mà cha ông ta bày ra để làm cỗ trông trăng, bao giờ cũng có các loại bánh dẻo, bánh nướng, bánh đúc... hình tròn - một sự mô phỏng hình ảnh mặt trăng hiền hòa, đầy đặn.

Đối với người Việt, đêm rằm tháng 8, đêm rằm Trung Thu mọi người vừa ăn cỗ vừa kể chuyện về trăng. Trăng là Thái Âm, là nơi mát lạnh với nhiều điều tốt đẹp, theo sự tích dân gian còn có thỏ ngọc, cây đa, chú Cuội, chị Hằng.
Đối với người Việt, đêm rằm tháng 8, đêm rằm Trung Thu mọi người vừa ăn cỗ vừa kể chuyện về trăng. Trăng là Thái Âm, là nơi mát lạnh với nhiều điều tốt đẹp, theo sự tích dân gian còn có thỏ ngọc, cây đa, chú Cuội, chị Hằng.

Trong đêm rằm tháng tám, thời khắc trăng tròn, sáng và đẹp nhất trong năm, người ta luôn dành những phút giây lắng đọng để ngồi cùng nhau bên mâm cỗ thanh tao, thưởng trà, thưởng rượu và ngắm vầng trăng sáng. Vì thế Tết Trung thu còn có tên gọi là “Tết Trông trăng”. Bên cạnh đó, Tết Trung thu cũng là phong tục thể hiện tính cộng đồng của người Việt. Để trồng trọt cấy cày, sinh tồn và phát triển, người dân nông nghiệp lúa nước ý thức rõ năng lực, sức mạnh của cộng đồng và sự cần thiết của tính cố kết, tình cảm cộng đồng.

Sự đoàn kết đã thành một giá trị tinh thần cao đẹp làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó ăn sâu vào tâm trí của mỗi cá nhân và thể hiện hữu hình qua các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Cũng như nhiều lễ hội, lễ tết của làng quê Việt Nam, Tết Trung thu không phải là hoạt động riêng lẻ của một vài nhà, một nhóm người mà của cả cộng đồng, khối, xóm…

Tuy không quy mô và trọng đại như Tết Nguyên đán, nhưng đó vẫn là ngày lễ thiêng liêng, là dịp để đông đảo người thân quây quần đoàn tụ.

Ý nghĩa của Ngày Tết Trung thu

Trải qua hàng ngàn năm, con người luôn cho rằng có mối liên hệ giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui và nỗi buồn; sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay... Cũng từ đó mà trăng tròn được xem là biểu tượng của sum họp và Tết Trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên, Tết của tình thân.

Trong ngày vui này, theo phong tục người Việt, tất cả các thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên. Bố mẹ mua hoặc làm đèn lồng, đèn ông sao treo ở trong nhà và để các con đi rước đèn.

 Cỗ mừng Trung thu gồm bánh trung thu, bánh kẹo và các loại hoa quả khác nhau. Đây là dịp để con cháu hiểu được sự thương yêu, chăm sóc của ông bà, cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế mà tình yêu gia đình ngày càng thêm gắn bó. 

Đối với trẻ em, Trung thu là dịp được chị Hằng xuống chơi, được ăn bánh trung thu, phá cỗ, được tặng lồng đèn đủ sắc màu. Trung thu là tết Thiếu nhi cũng thể hiện ý nghĩa trẻ em luôn được người lớn yêu thương, được vui chơi và được biết về nét văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Tết Trung Thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của sự chăm sóc, báo hiếu, biết ơn; của tình thân hữu, đoàn tụ và thương yêu.

Vì vậy, mọi người, mọi nhà cần phải duy trì và phát triển ý nghĩa cao đẹp này, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Ngày tết Trung thu đang đến gần, hy vọng mọi người có thời gian sum họp với gia đình và đón một mùa Trung thu yên bình, hạnh phúc.

Hà Trần