Tuyển nhân sự liên tục tuyển vẫn chưa đủ
Tình trạng cắt giảm nhân viên xảy ra ở phần lớn các ngành trong xã hội vào “năm Covid-19”, tuy nhiên ở nhóm ngân hàng lại đẩy mạnh việc tuyển nhân sự. Ngân hàng tuyển dụng nhiều nhất trong năm vừa rồi là VIB khi đội ngũ của ngân hàng này tăng thêm hơn 2.300 người. Vietcombank cũng tuyển dụng thêm hơn 1.100 nhân sự. TPBank có thêm gần 1.000 nhân viên mới…
Đầu năm 2021, nhiều ngân hàng tiếp tục đăng tuyển dụng nhân sự với quy mô lớn. Đáng lưu ý, một số ngân hàng nằm trong nhóm tuyển dụng mạnh nhất năm qua thì ngay từ đầu năm nay lại tiếp tục tuyển thêm hàng trăm nhân viên. Như TPBank đang tuyển hơn 300 vị trí tại trụ sở và các chi nhánh trên toàn quốc; VIB cũng tuyển 278 nhân sự.
Ngoài ra, các ngân hàng TMCP khác cũng tuyển thêm nhân sự. Như VietinBank đang tuyển dụng 609 chỉ tiêu tại 83 chi nhánh trên toàn quốc và 64 cho vị trí làm việc tại Hội sở chính. Trên website của VPBank cũng đang thông báo tuyển dụng 187 việc làm trên toàn quốc, từ thực tập sinh, cộng tác viên đến chuyên viên, trưởng bộ phận… Trong đó, những vị trí được tuyển dụng nhiều nhất là chuyên viên quan hệ khách hàng, giao dịch viên, nhân viên thu hồi nợ…
Nhu cầu bổ sung thêm nhân sự của các ngân hàng cũng có thể lý giải là do hầu hết các nhà băng đều đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay tăng so với năm ngoái. Vì thế, việc tuyển dụng ngay từ đầu năm có thể giúp các chi nhánh chủ động hơn trong việc thực hiện các chỉ tiêu được giao mà không phải gấp gáp vào giai đoạn cuối năm.
Đồng thời, cùng với tuyển mới, các ngân hàng cũng tiến hành thanh lọc những nhân sự không đáp ứng được yêu cầu công việc. Tại một cuộc hội thảo về chuyển đổi số ngành ngân hàng mới đây, lãnh đạo một số nhà băng cho biết, ngành tài chính - ngân hàng vẫn tồn tại tình trạng nguồn nhân lực vừa thừa lại vừa thiếu. Theo đó, nhân lực phổ thông thì thừa, trong khi nhân lực chất lượng cao, nhân lực làm việc trong lĩnh vực ngân hàng số lại thiếu.
Chuyển đổi số cần nguồn nhân lực lớn
Thực tế hiện nay, thị trường tài chính - ngân hàng mỗi năm đón nhận hàng chục nghìn cử nhân ra trường, tuy nhiên lực lượng này phần đông chỉ làm được các công việc rất đơn giản, trong khi xu hướng ngân hàng số ngày càng phát triển. Điều đó kéo theo nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng.
Để ý các bản tin tuyển dụng của các nhà băng có thể thấy, bên cạnh tuyển dụng các vị trí quen thuộc ở khối bán hàng, các nhà băng cũng tiếp tục tuyển dụng nhiều vị trí liên quan đến công nghệ như: chuyên viên cao cấp phát triển ebank, chuyên viên lập trình AI, chuyên viên ứng dụng Core & Mis...
Cụ thể, VIB đang tuyển 28 vị trí khối công nghệ thông tin, 23 vị trí quản trị rủi ro. Tương tự TPBank đang tuyển một số vị trí đòi hỏi chất lượng cao như: trưởng nhóm tư vấn khách hàng LiveBank; trưởng nhóm Digital Telesales, chuyên viên cao cấp…
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, chuyển đổi số mang tới thách thức về nhân sự cho ngành ngân hàng, bên cạnh những lợi ích về hiệu quả vận hành, kinh doanh.
“Muốn chuyển đổi số hiệu quả thì phải có nhân sự hiểu cả công nghệ và nghiệp vụ kinh doanh. Vì vậy giữa các ngân hàng diễn ra cuộc cạnh tranh nhân sự rất quyết liệt”, ông Lân nói.
Lý giải về sự khan hiếm nhân sự chuyển đổi số, lãnh đạo các ngân hàng nhận định, xu hướng chuyển đổi số diễn ra rầm rộ trong vài năm gần đây khiến nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực này tăng cao, trong khi nguồn lực chưa đáp ứng kịp.
“Chất lượng đào tạo cử nhân tài chính - ngân hàng trong nước còn quá nặng về lý thuyết, vì thế sinh viên ra trường chưa thể bắt nhịp được với yêu cầu công việc. Trong khi 3 năm vừa qua, thị trường xuất hiện rất nhiều vị trí công việc mà trước đây chưa từng có, thậm chí có những vị trí mà người làm ngân hàng chưa từng tưởng tượng ra, như phân tích trải nghiệm khách hàng, phân tích dữ liệu…”, một chuyên gia phân tích.
Dự đoán trong thời gian tới, nhân sự cấp cao trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam sẽ tiếp tục khan hiếm. Vì vậy, các ngân hàng thương mại phải tăng cường những chính sách và biện pháp giữ chân nhân tài, nhân lực chất lượng cao trong quá trình Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành tài chính - ngân hàng, theo giới chuyên gia, về phía các trường đào tạo cần mở rộng hợp tác với hệ thống ngân hàng thương mại nhằm phối hợp chặt chẽ về nội dung đào tạo gắn với việc làm và theo nhu cầu xã hội.
Cao Huyền