Xuất khẩu tôm của nước ta bắt đầu tăng trở lại
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dịch Covid-19 bùng phát đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất và thương mại tôm toàn cầu. Cho tới nay, dịch bệnh này đã và đang tiếp tục ảnh hưởng rõ rệt hơn tới hoạt động nuôi trồng, thương mại tôm của một số nguồn cung lớn trên thế giới. Hoạt động nuôi tôm tại Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và phần còn lại của Đông Nam Á sẽ bị thu hẹp do Covid-19.
Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những tác động không nhỏ do dịch bệnh Covid-19 gây ra như bị hoãn, thậm chí bị hủy đơn hàng, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường giảm trong khi vẫn phải duy trì việc làm cho công nhân và thanh toán nhiều khoản thuế, chi phí đầu vào...
Tuy nhiên, DN đang nỗ lực tìm cách vượt khó như đa dạng thị trường XK, đẩy mạnh bán hàng cho các kênh siêu thị, giao hàng tại nhà, chế biến sâu để bán cho phân khúc bán lẻ thay cho phân khúc dịch vụ thực phẩm đang sụt giảm mạnh.
Theo VASEP, hiện nay do thiếu nguồn cung nên DN không mua được tôm nguyên liệu với giá mong muốn và tình trạng này có thể trầm trọng hơn sau 2 tháng do diện tích nuôi giảm.
Thời gian qua, do lo ngại thị trường tiêu thụ gặp khó nên người dân chậm thả nuôi hoặc thu hẹp diện tích, nên nguồn nguyên liệu có nguy cơ thiếu hụt trong thời gian tới. Theo đại diện một DN tôm ở ĐBSCL, có khả năng thiếu tôm cục bộ trong tháng 5 và tháng 6 đối với các DN có hợp đồng đến hết quý II/2020.
Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người nuôi tiếp tục thả nuôi, DN và người dân tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; áp dụng quy trình công nghệ nuôi tôm an toàn để có nguồn nguyên liệu chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc phục vụ cho chế biến. Đối với tôm nuôi đến kỳ thu hoạch cần hỗ trợ người dân kết nối với DN chế biến để tiêu thụ sản phẩm. Với các cơ sở đang nuôi với mật độ dày, tôm cỡ nhỏ cần san thưa để chăm sóc tốt, hạn chế rủi ro, giảm thiểu chi phí sản xuất...
Vương Hằng