Ngày 3/8/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét đối với ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc VEAM; ông Lâm Chí Quang, nguyên Tổng giám đốc VEAM; ông Vũ Từ Công, Phó tổng Giám đốc VEAM; ông Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn máy kéo nông nghiệp.

Nguyên Tổng giám đốc VEAM Trần Ngọc Hà bị khởi tố - Hình 1

Các bị can (từ trái qua phải) Trần Ngọc Hà, Lâm Chí Quang, Vũ Từ Công, Nguyễn Mạnh Chung. (Ảnh Bộ Công an)

Bốn bị can này đều bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại Điều 219 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Cùng với quyết định khởi tố, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam đối với 3 bị can Trần Ngọc Hà, Lâm Chí Quang và Nguyễn Mạnh Chung. Áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Vũ Từ Công.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang khẩn trương điều tra, xác minh, truy tìm tài sản để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ông Trần Ngọc Hà đã bị bãi miễn các chức vụ sau khi Thanh tra Bộ Công Thương phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể, ông Trần Ngọc Hà là Chủ tịch HĐQT VEAM và là Tổng giám đốc giai đoạn 2015 - 2018. Ông Hà là nhân vật chính được nhắc trách nhiệm nhiều nhất trong bản kết luận vừa được Bộ Công Thương thông báo hồi tháng 5, với nhiều sai phạm mà cơ quan thanh tra đã chuyển và đề nghị chuyển sang công an.

Cụ thể là việc chuyển tiền thoải mái vào các thương vụ làm ăn không có trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, hoặc không đúng quy định, để lại những "di chứng" hết sức nặng nề cho “ông lớn” ô tô quốc doanh này. Điển hình nhất là năm 2017, Nhà máy ô tô VEAM (VM) ký 4 hợp đồng mua 3.000 bộ linh kiện của Công ty CP Thành Công (TCG), với tổng số tiền 1.634,99 tỷ đồng để lắp 3.000 ô tô Huyndai.

Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương nêu rõ: Việc mua 3.000 bộ linh kiện này không có trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của VM, không được phê duyệt của HĐQT và tổng giám đốc, vượt thẩm quyền được giao. Ngoài ra, còn không thực hiện việc tham khảo giá và đàm phán giá theo quy định. Trong báo cáo mới đây gửi Bộ Công thương, VEAM cho hay, điều này “dẫn đến tồn kho cuối năm 2017 cao gấp hơn 2 lần so với kế hoạch tồn kho được giao”.

Cùng với đó, trong các năm 2016 và 2017, VEAM cũng nhập khẩu 2.010 bộ linh kiện xe Hyundai HD72 về bán cho VM lắp ráp và tiêu thụ.

Đến tháng 12/2018, Cục Hải quan TP. Hà Nội kiểm tra sau thông quan đối với hoạt động nhập khẩu 2.010 bộ linh kiện HD72 thì đến tháng 3 và 4/2019 đã liên tiếp ra các văn bản truy nộp và phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 262,4 tỷ đồng.

Hằng Vương