1. Thành viên hợp tác xã bao gồm những ai?
Thành viên của hợp tác xã bao gồm thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn. Trong đó:
Thành viên chính thức:
(i) Thành viên góp vốn và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã.
(ii) Thành viên góp vốn và góp sức lao động vào hợp tác xã.
(iii) Thành viên góp vốn, sử dụng sản phẩm, dịch vụ và góp sức lao động vào hợp tác xã.
Thành viên liên kết góp vốn: Là thành viên chỉ góp vốn, không sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và không góp sức lao động vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Thành viên liên kết không góp vốn:
(i) Thành viên không góp vốn, chỉ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã.
(ii) Thành viên không góp vốn, chỉ góp sức lao động vào hợp tác xã.
(iii) Thành viên không góp vốn, chỉ sử dụng sản phẩm, dịch vụ
(Khoản 16, 17, 18, 19 Điều 4 Luật Hợp tác xã 2023)
2. Nhà đầu tư nước ngoài có được trở thành thành viên hợp tác xã hay không?
Căn cứ khoản 1 Điều 30 Luật Hợp tác xã 2023, thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn của hợp tác xã bao gồm:
(i) Cá nhân là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
(ii) Cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
(iii) Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân thành lập, hoạt động tại Việt Nam. Các thành viên của tổ chức này phải cử một người đại diện theo quy định của Bộ luật Dân sự để thực hiện quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã.
(iv) Pháp nhân Việt Nam.
Như vậy, cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài có thể trở thành thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn của hợp tác xã.
Lưu ý:
- Cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài trở thành thành viên hợp tác xã phải có chứng nhận đăng ký đầu tư và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 30 Luật Hợp tác xã 2023, bao gồm:
+ Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
+ Điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về đầu tư.
- Tổng số thành viên chính thức là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài phải chiếm tỷ lệ dưới 35% tổng số thành viên chính thức của hợp tác xã (khoản 7 Điều 30 Luật Hợp tác xã 2023).
Tổng hợp File word các hợp đồng mẫu trong Kinh doanh bất động sản mới nhất |
Cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài có thể trở thành thành viên hợp tác xã (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
3. Trường hợp nào sẽ chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã?
Căn cứ Điều 33 Luật Hợp tác xã 2023, các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã được quy định như sau:
3.1. Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên chính thức
(i) Thành viên là cá nhân đã chết; bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
(ii) Thành viên là tổ chức chấm dứt tồn tại, giải thể, phá sản.
(iii) Hợp tác xã chấm dứt tồn tại, giải thể, phá sản.
(iv) Thành viên tự nguyện ra khỏi hợp tác xã.
(v) Thành viên bị khai trừ theo quy định của Điều lệ.
(vi) Thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc không góp sức lao động trong thời gian liên tục theo quy định của Điều lệ;
(vii) Tại thời điểm cam kết góp đủ vốn, thành viên không thực hiện góp vốn hoặc góp vốn thấp hơn vốn góp tối thiểu quy định trong Điều lệ.
3.2. Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên liên kết góp vốn
Tư cách thành viên liên kết góp vốn của hợp tác xã bị chấm dứt khi thuộc các trường hợp quy định tại các khoản (i), (ii), (iii), (iv), (v) và (vii) Mục 3.1.
3.3. Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên liên kết không góp vốn
Tư cách thành viên liên kết không góp vốn của hợp tác xã bị chấm dứt khi thuộc các trường hợp sau:
- Các trường hợp quy định từ khoản (i) đến khoản (vii) Mục 3.1.
- Không nộp phí thành viên theo quy định của Điều lệ.
T. Hương (Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/)