Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh, xã Xuân Hồng (Xuân Trường, Nam Định).

Đồng chí Trường Chinh, tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9/2/1907 trong một gia đình giàu truyền thống khoa bảng, hiếu học. Ông nội là Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng, một sĩ phu yêu nước, từng làm quan nhà Nguyễn và là nhà sử học Việt Nam. Thân phụ đồng chí Trường Chinh là cụ Đặng Xuân Viện, có trình độ học vấn cao, từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.

Đồng chí Trường Chinh là nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chiến lược tài giỏi về chính trị, quân sự, nhà văn hóa, một trí thức lớn của dân tộc, người đặt nền móng đầu tiên cho công cuộc “Đổi mới” năm 1986, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh là nơi sinh thành, lưu giữ nhiều kỷ vật quý giá của ông, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương và gắn bó với cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trường Chinh từ năm 1928 đến thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954).

Chị Nguyễn Thị Thoa, hướng dẫn viên Khu lưu niệm cho biết: Ngoài các đoàn đại biểu, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh, huyện thường xuyên về thăm và tổ chức lễ dâng hương, hoa thành kính tưởng nhớ tới công lao to lớn của Tổng Bí thư Trường Chinh, trung bình mỗi năm có hàng trăm đoàn khách về tham quan tại khu lưu niệm; trong đó nhiều đoàn có số lượng từ 100-200 người.

Đặc biệt, khi các trường học tích cực sáng tạo mô hình học tập gắn với thực tiễn cuộc sống, đẩy mạnh giáo dục truyền thống thông qua các di tích lịch sử, văn hóa thì Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh là điểm đến của đông đảo học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên các trường tiểu học, THCS, THPT, cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh.

Nơi đây cũng là “Địa chỉ đỏ” tuyên truyền lý tưởng cách mạng cho thanh niên địa phương trước khi lên đường nhập ngũ; nơi tổ chức các hoạt động nghiên cứu thực tế của các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị... Nhằm thực hiện tốt việc đón tiếp và phục vụ du khách tham quan, cán bộ, nhân viên Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Xuân Trường đặc biệt quan tâm công tác vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, trùng tu, tôn tạo di tích, bảo quản tài liệu, hiện vật.

Con đường dẫn vào Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh dài khoảng 300m từ cổng làng được lát gạch đỏ sạch đẹp. Khi bước chân trên đường vào Nhà lưu niệm, các em học sinh sẽ được nghe kể về truyền thống hiếu học, khoa bảng của làng Hành Thiện, nơi giáo dục, rèn luyện và hun đúc nên lý tưởng cách mạng vĩ đại của Tổng Bí thư Trường Chinh.

Bước chân vào khu lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh, học sinh được ngắm tận mắt toàn bộ khuôn viên khu lưu niệm rộng hơn 530m2, gồm các công trình: Nhà lưu niệm (nhà thờ), nhà khách, nhà lợp mái bổi, khuôn viên, ao cá, vườn cây xanh, tường bao quanh với phong cách kiến trúc truyền thống vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ xưa.

Công trình chính là Nhà lưu niệm 5 gian được làm bằng gỗ lim chắc chắn, các bộ vì kèo, mái lợp ngói nam, tường hồi, tường hậu được xây bằng gạch thất. Ba gian giữa Nhà lưu niệm là nơi thờ cúng Tổng Bí thư Trường Chinh và người thân trong gia đình. Nhà lợp bổi nằm vuông góc với nhà chính ở phía đông, mang đậm nét kiến trúc đặc trưng của cư dân vùng đồng bằng.

Phía đông Nhà lưu niệm là nhà khách 5 gian mái ngói, hiện trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trường Chinh và nhiều tư liệu quý về làng Hành Thiện. Phía trước Nhà lưu niệm là ao cá, xung quanh nhiều cây xanh bóng mát, tạo không gian cổ kính, nên thơ. Tiếp đến là nhà khách để đón các đoàn du khách nghỉ chân. Nơi đây hiện lưu giữ hàng chục cuốn sổ lưu bút của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn khách đến tham quan, học tập...

Đoàn viên, thanh niên tham quan, học tập tại Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Trường Chinh, thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường - Nam Định).

Đắm mình trong không gian khu lưu niệm, xem những bức ảnh, từng kỷ vật, người xem hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp Tổng Bí thư Trường Chinh; chiều sâu mạch nguồn nơi sinh ra và nuôi dưỡng tinh thần của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một lãnh tụ xuất sắc của Đảng từng “đứng mũi chịu sào”, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam trong những thời điểm cam go, đầy sóng gió. Khách tham quan được chứng kiến cơ sở in tài liệu, sách báo tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ cách mạng, là nơi nuôi giấu bí mật Tổng Bí thư Trường Chinh trong những lần về hoạt động, chỉ đạo phong trào cách mạng tại quê nhà.

Trong những năm tháng chống đế quốc Mỹ oanh liệt, ngôi nhà được trưng dụng làm trụ sở hợp tác xã nông nghiệp, trụ sở tạm thời của UBND xã... Để rồi qua đó, thế hệ trẻ hôm nay có những nhận thức sâu sắc về những cống hiến vĩ đại, hy sinh lớn lao của Tổng Bí thư Trường Chinh với cách mạng nước nhà, càng thêm khâm phục, tự hào về người con quê hương Hành Thiện kiệt xuất với 81 năm tuổi đời, hơn 60 năm liên tục hoạt động cách mạng, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cùng với khu lưu niệm nơi quê nhà Tổng Bí thư Trường Chinh ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường còn có các công trình như: vườn hoa, tượng đài và Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Trường Chinh ở thị trấn Xuân Trường, tạo nên một quần thể lưu niệm đồng chí Trường Chinh đặc sắc.

Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, năm 1994, Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày sinh (9/2), ngày mất (20/8 âm lịch) của Tổng Bí thư Trường Chinh, tập thể giáo viên và các em học sinh ngôi trường mang tên thời trẻ của ông là Trường THCS Đặng Xuân Khu đều tổ chức các hoạt động “về nguồn”, thắp hương, dâng hoa, kể chuyện truyền thống, dọn vệ sinh khu di tích, chăm sóc cây xanh… Trong nghi lễ dâng hương bày tỏ lòng thành kính tri ân các bậc tiền bối, nghe kể những câu chuyện về thời kỳ hoạt động cách mạng tại quê nhà, thế hệ trẻ sẽ càng trân quý hơn giá trị của nền độc lập hôm nay.

Một buổi tham quan, thực tế, học tập tại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh giúp thế hệ trẻ chủ động tiếp thu tri thức sách giáo khoa một cách thiết thực, sâu sắc, gần gũi, am hiểu hơn về lịch sử quê hương, về sự hy sinh lớn lao của thế hệ cha ông trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; từ đó nâng cao nhận thức trong việc phấn đấu học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Theo Báo Nam Định