Du khách tham quan và chp nh ti Cu Ngói- Chợ Lương- cây cu vi kiến trúc độc đáo hơn 500 tuổi. Ảnh internet.

“Điểm sáng” trong khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn tỉnh Nam  là hoạt động du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng bước đầu phát triển. Tại Hải Hậu, từ sau đại dịch COVID-19, khách du lịch đã tiếp tục trở lại với khu du lịch biển Thịnh Long, khu bảo tồn chứng tích biến đổi khí hậu Nhà thờ đổ xã Hải Lý, bãi biển xã Hải Đông.

Các mô hình du lịch cộng đồng, mô hình nông thôn mới và mô hình văn hóa kiểu mẫu tiêu biểu, mô hình vườn mẫu sản xuất nông nghiệp sạch tại các xã Hải Châu, Hải Bắc, Hải Đông, Hải Thanh, Hải Xuân, Hải Tân, Hải Quang, Hải An đã được hình thành.

Tại nhiều địa phương hình thành các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm đạt chất lượng và mang nét đặc trưng Hải Hậu... phục vụ khách du lịch như: Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ tại các xã Hải Minh, Hải Anh, Hải Trung; làng nghề kèn đồng tại Hải Minh; làng nghề cây cảnh nghệ thuật tại Hải Sơn, thị trấn Cồn, Hải Lý; làng nghề sản xuất bánh kẹo Đông Cường, thị trấn Yên Định.

Nghệ nhân Nguyễn Cường và tiếng kèn Phạm Pháo.

Hình thành các điểm du lịch gắn với văn hóa tâm linh tại các cơ sở thờ tự (đền, chùa, nhà thờ,...), nhất là tại các cơ sở đã được xếp hạng di tích quốc gia và cấp tỉnh như: Cầu Ngói - Chùa Lương - Đền thờ Tứ Tổ, Chùa Phúc Hải, Đền Bảo Ninh, An Trạch; các nhà thờ xứ Quần Phương, Hưng Nghĩa, Xương Điền.

Hiện nay, các điểm du lịch cộng đồng Ecohost Hải Hậu, Khu du lịch sinh thái núi Ngăm, Bảo tàng Đồng quê, Hợp tác xã Du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân đều có website riêng để cập nhật thông tin, quảng bá hình ảnh của điểm du lịch, nhiều hình thức giới thiệu sản phẩm được triển khai như bản đồ, tập gấp, tờ rơi, các trang facebook, zalo, tiktok… Các điểm du lịch cộng đồng bước đầu đã có sự liên kết với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường khách.

Khởi nguồn từ Ecohost vào năm 2015 bằng sản phẩm du lịch tái dựng những ngôi nhà truyền thống vùng nông thôn Bắc bộ để phục vụ du khách quốc tế lưu trú, cùng với tham quan làng nghề, trải nghiệm làm món ăn đặc sản địa phương.

Theo đại diện của của Ecohost Hải Hậu cho biết: “Văn hóa truyền thống bản địa tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt cho sản phẩm du lịch của Ecohost Hải Hậu. Chúng tôi luôn cố gắng mang tới cho du khách những cảm nhận đầy đủ, chân thật nhất về những giá trị văn hóa phi vật thể hiện diện trong cuộc sống hàng ngày hay các di sản đã được trao truyền qua bao thế hệ.

Ðó có thể là các loại đặc sản, những món quà bình dị của quê hương giàu bản sắc văn hóa như: Nem nắm, bánh nhãn, gạo nếp, bánh chưng cho đến nghệ thuật hát Văn, múa rối nước làng Rạch - nơi nổi tiếng với phường rối nước Nam Chấn, xã Hồng Quang (Nam Trực) hay thăm làng nghề đan lưới Tân Minh, xã Hải Triều; di tích nhà thờ đổ xã Hải Lý.

Tại những nơi đến tham quan, du khách sẽ tìm hiểu cuộc sống của cộng đồng bản địa thông qua việc tiếp đón chân thành, cởi mở của người dân địa phương và hướng dẫn viên... Những di sản văn hóa ấy chính là tiền đề và nền tảng căn cốt để mô hình du lịch cộng đồng phát triển một cách bền vững”.

Du khách trải nghiệm thực tế bằng xe đạp. Ảnh internet

Bên cạnh đó, Ecohost Hải Hậu còn liên kết với một số công ty lữ hành, các ban, ngành chức năng và các làng nghề truyền thống của địa phương để xây dựng tour du lịch trải nghiệm thực tế bằng xe đạp.

Du khách được đi xe đạp trên con đường sạch sẽ, thoáng mát, hai bên phủ đầy hoa để khám phá cuộc sống thường ngày của người dân địa phương, tìm hiểu phong tục tập quán, tham quan các tuyến điểm du lịch của Nam Ðịnh như Chùa Cổ Lễ, làng ươm tơ Cổ Chất, làng nghề kèn đồng Hải Minh, nhà thờ đổ Hải Lý, Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, nhà thờ Phạm Pháo, cánh đồng muối Bạch Long...; trải nghiệm du lịch đồng quê qua việc làm bánh nhãn thủ công truyền thống hay thưởng ngoạn ngư dân đi cà kheo tái hiện lại công việc đánh bắt dưới biển, với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp.

Việc tham gia phát triển mô hình trải nghiệm du lịch cộng đồng đã giúp người dân địa phương tăng sản lượng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm của quê hương như: Bánh nhãn Hải Hậu, bánh chưng bà Thìn, nem nắm, gạo nếp, bột đậu Hoàng Thanh, mật ong sú vẹt của Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Ðây là những đặc sản độc đáo của vùng đất miền biển để phục vụ nhu cầu làm quà cho người thân của khách du lịch khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Ecohost Hải Hậu. Nhờ đó, thu nhập trung bình hàng năm của cộng đồng địa phương tham gia vào chuỗi dịch vụ của Ecohost Hải Hậu đã có sự thay đổi đáng kể, ở mức khoảng 30-50 triệu đồng/hộ/năm. Ðây thực sự là những tín hiệu đáng mừng cho một mô hình du lịch mới được hình thành và phát triển vì cộng đồng.

Ecohost Hải Hậu đang góp phần phát triển du lịch một cách bền vững qua việc tập trung khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương, đồng thời chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên thiên nhiên và nhất là tạo sinh kế ổn định cho người dân địa phương.

Ecohost Hải Hậu đang là một trong những cơ sở homestay cao cấp, sản phẩm OCOP 5 sao thu hút du khách ngoài nước khi tới Nam Định. Đặc biệt rất nhiều du khách đến từ các nước châu Âu, Pháp, Đan Mạch, Ý, Tây Ban Nha… Khi tới đây, du khách sẽ cảm nhận được cuộc sống nông thôn thuần khiết ở Việt Nam.

Homestay Ecohost Hải Hậu ở Thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu-Nam Định là một trong những điểm đến nghỉ dưỡng được nhiều du khách nước ngoài quan tâm. Du khách đến đây không chỉ được tận hưởng một không gian xanh, nhiều cây ăn quả như cóc, bưởi, hồng… mà còn được chiêm ngưỡng hai dãy nhà cổ mái ngói với kiểu kiến trúc ba gian hai trái, cửa gỗ, bậc gỗ. Bước vào trong ngôi nhà, du khách sẽ bắt gặp cách sắp xếp theo đúng văn hoá của đồng bằng Bắc bộ, trải nghiệm nếp sống của người xưa.

Du khách nước ngoài thích thú khi được tri nghim không gian xanh và ngôi nhà cổ. Ảnh internet

Du khách đến từ Pháp - Saiseau Camille cho hay: "Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Đây là mảnh đất bố tôi đã sinh ra nên tôi cũng rất háo hức. Trước khi đến Việt Nam, tôi cũng đã tìm hiểu trên mạng nhưng khi đến vẫn rất bất ngờ với cảnh sắc, thiên nhiên vô cùng đẹp ở đây. Việt Nam có rất nhiều cảnh đẹp. Tôi hy vọng các bạn sẽ bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên, để phát triển hơn nữa du lịch".

Còn với nữ du khách Pháp, bà Vandamme Christine cho biết: "Đến Việt Nam, tôi chỉ thích tìm những địa điểm như thế này để nghỉ dưỡng. Tôi không thích nghỉ ở những toà nhà cao tầng, chọc trời, phòng nghỉ chỉ thấy tường và tường. Tôi muốn một nơi có nhiều không gian cây xanh như homestay này. Tôi muốn đến những nơi có nhiều cảnh sắc, thiên nhiên còn hoang sơ chưa bị xây dựng nhiều. Điều này khiến tôi được vào với thiên nhiên với văn hoá, đời sống của người bản địa".

Bà Bùi Thị Nhàn, Giám đốc điều hành Ecohost Hải Hậu chia sẻ: "Bên cạnh mục tiêu phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, tôi còn 'tham vọng' mong muốn nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng chất lượng cao ra nhiều huyện khác. Tức là hỗ trợ cộng đồng địa phương, tái cấu trúc các ngôi nhà truyền thống, nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc văn hoá nơi đó. Từ đó, tạo thêm việc làm cho người dân, quảng bá và thiết kế các sản phẩm thủ công độc đáo, hỗ trợ người dân cải thiện sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của du khách."

Ecohost là đơn vị tiên phong tại Nam Định xây dựng các chương trình du lịch về với Thành Nam. Hiện Ecohost Hải Hậu đang khai thác một số tour như: “Dấu ấn Thành Nam”, “Ngỡ ngàng Nam Định”, “Lạc bước giữa trời Âu”, “Đường về xứ Đạo”, “Cung đường di sản thành Nam”, “Nam Định food tour”... Việc đặt tour, đăng ký sử dụng dịch vụ của Ecohost ngoài thông qua các doanh nghiệp du lịch truyền thống, thì việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển du lịch, sử dụng các giải pháp công nghệ cũng được chú ý, đặc biệt là qua mạng xã hội, website và các ứng dụng trên nền tảng số, các kênh online travel agent (OTA) và truyền miệng từ khách quen…

Từ mô hình du lịch cộng đồng Ecohost liên kết xây dựng ban đầu, người dân thành lập các hợp tác xã du lịch, công ty du lịch cùng liên kết với nhau thành “tua” trải nghiệm, khám phá đồng quê. Đã có những hợp tác xã du lịch, những làng du lịch cộng đồng đạt chuẩn OCOP 3-4 sao.

Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Ecohost chia sẻ: “Xu thế của thời đại là du lịch văn hoá sẽ lên ngôi để thay thế du lịch truyền thống. Mà du lịch văn hoá đậm bản sắc nhất, có thể phát triển bền vững nhất chính là du lịch nông thôn”

Mô hình du lịch cộng đồng ở Nam Định đang thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước, tạo thêm việc làm, quảng bá và thiết kế các sản phẩm thủ công độc đáo, hỗ trợ người dân cải thiện chất lượng sản phẩm, sản vật truyền thống; đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đem lại thu nhập cao cho người dân tham gia vào các hoạt động du lịch. Đây được coi là hướng đi mới cho phát triển du lịch ở địa phương. 

PV (t/h)