Trước đó, Thương hiệu & Công luận có thông tin, ngày 5/1 Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hải Dương phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành lệnh khám xét khẩn cấp nhà máy sản xuất sữa, kho chứa hàng của Công ty TNHH sản xuất thương mại quốc tế CIO trên địa bàn TP Hải Dương đã phát hiện nhiều vi phạm trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, tất cả các mặt hàng liên quan do nhà máy sản xuất, cung cấp ra thị trường thời gian vừa qua đều không đạt tiêu chuẩn như đã có trong đăng ký.
Thượng tá Vũ Văn Hưởng - Trưởng Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị vừa khởi tố vụ án hình sự “sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại quốc tế CIO đóng tại phường Nhị Châu, TP Hải Dương. Đồng thời, lực lượng chức năng đã yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động, đồng thời tiến hành lập biên bản, liêm phong toàn bộ sản phẩm để phục vụ quá trình điều tra, xử lý.
Nhà máy sữa CIO kém chất lượng luôn đóng kín cửa
Để làm rõ thông tin về nhiều sản phẩm của Công ty TNHH sản xuất thương mại quốc tế CIO không đạt yêu cầu, có một số chất có nguy cơ gây hại cho sức khỏe lại vượt quá quy định cho phép.
Trao đổi với PV, ông Trần Bá Mịch, cán bộ phường Nhị Châu cho biết, Công ty TNHH sản xuất thương mại quốc tế CIO thuê xưởng của một hộ dân để đặt nhà máy sản xuất sữa CIO được một thời gian. Họ về kinh doanh sản xuất nhưng không thông qua phường, không báo cáo phường.
Theo ông Trần Bá Mịch, nhà xưởng của công ty rộng khoảng 300 m2 tuy nhiên, phường cũng không nắm được có bao nhiêu công nhân tại xưởng mang, do tính chất làm ngày nên công ty không khai báo phường. Ông Mịch cung cấp thêm thông tin, khi cán bộ phường xuống, xưởng này đều trong tình trạng đóng cửa.
“Bí mật” trong căn nhà xưởng với biển hiệu Nhà máy sữa CIO được lật giở khi ngày 5/1/2021, phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hải Dương phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc, nơi sản xuất, kho chứa hàng của Công ty TNHH sản xuất thương mại quốc tế CIO do ông Nguyễn Huy Dương, SN 1989, hiện trú tại phường Thanh Bình, TP Hải Dương làm giám đốc.
Tại thời điểm khám xét, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 27 nghìn vỏ hộp; 10 tấn bìa thùng cactong chưa qua sử dụng có in nhãn mác các loại sản phẩm khác nhau; khoảng 5 tấn nguyên liệu sữa bột, 1 tấn tem nhãn mác và trên 70 nghìn sản phẩm thành phẩm. Tại nơi sản xuất, phát hiện có nhiều nguyên vật liệu được nhập từ Trung Quốc, một số thùng chứa không đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ 19 con dấu tròn liền mực mang tên 16 công ty khác nhau và các chi nhánh; 14 dấu chức danh Giám đốc công ty, Giám đốc chi nhánh công ty và 2 dấu khắc nét chữ ký.
Ông Trần Bá Mịch cho biết, Công ty TNHH sản xuất thương mại quốc tế CIO có sản xuất, có dây chuyền máy móc sản xuất và nhiều lần đăng cả quảng cáo trên truyền hình.
“Nhân viên tiếp thị thậm chí còn đến từng nhà dân để tiếp thị sản phẩm nhưng người dân không biết đâu là hàng giả hay hàng thật” – ông Mịch cho hay.
Chi cục An toàn thực phẩm Hải Dương có trách nhiệm gì?
Thời gian qua, theo phản ánh của quần chúng nhân dân và người tiêu dùng, các mặt hàng do Công ty sản xuất cung cấp ra thị trường trong thời gian vừa qua như thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt: ACC milk Linh Chi, Sữa Ong Chúa Nhung Hươu, Hilac Baby, Sure Milk Hồng Sâm Canxi Colostrum Tảo Soắn…đều không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng như đã đăng ký.
Kết qủa giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cho thấy những phản ánh của người dân là có cơ sở khi nhiều chỉ số trong các sản phẩm đều không đạt yêu cầu, (có loại chỉ đạt 10-15%), nhưng có một số chất có nguy cơ gây hại cho sức khỏe lại vượt quá quy định cho phép như chất béo và sắt. Cụ thể, một số sản phẩm có thành phần vượt nhiều lần như Acc Milk Linh Chi - sữa ong chúa nhung hươu Legend trên nhãn ghi chất béo là 18 mg, kết quả giám định 23.400 mg (gấp 1.300 lần); chất xơ hoà tan ghi trên nhãn là 2 mg, kết quả giám định 5.950 mg (gấp 2.975 lần)...
Theo tìm hiểu của PV, ngày 4/10/2019, ông Trần Đình Nam, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Hải Dương ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho Nhà máy sản xuất thực phẩm CIO của Công ty TNHH sản xuất thương mại quốc tế CIO. Giấy chứng nhận này có giá trị đến 3 năm tính từ ngày 4/10/2019.
Cụ thể, theo giấy chứng nhận, cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, tỏi đen, tinh dầu tỏi, rượu tỏi, các sản phẩm thực phẩm dạng bột, dạng viên và trà thảo mộc các loại.
Dư luận quan tâm, việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho Nhà máy sản xuất thực phẩm CIO của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Dương có đúng quy định và quá trình hậu kiểm thế nào?
Sáng 7/1, trao đổi với PV, ông Trần Đình Nam, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Hải Dương cho biết, việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là cấp cho cơ sở là nhà máy sản xuất thực phẩm CIO.
“Khi chúng tôi thẩm định cơ sở về vị trí, địa điểm, điều kiện môi trường, con người, trang thiết bị, quy trình sản xuất, họ đủ điều kiện thì chúng tôi cấp. Chúng tôi có đoàn, có biên bản thẩm định hẳn hoi để cấp. Còn việc doanh nghiệp sản xuất sản phẩm gì thì người ta sẽ công bố. Có loại sản phẩm tự công bố, có loại sản phẩm phải công bố, sau này các cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm tra hậu kiểm” – ông Nam nói.
Nói về việc hậu kiểm sau khi cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, ông Nam nói, không có quy định bắt buộc là cứ sản xuất ra, ngày mai là phải hậu kiểm.
“Thường thì khi nghi ngờ hoặc sau một năm đặt kế hoạch hậu kiểm những sản phẩm mà mình đã tiếp nhận. Công ty này đến hết năm 2020 mới được một năm sau cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm” – ông Nam cho biết.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Dương nói rằng, nói là nhà máy sản xuất chứ thực chất là nhà xưởng nhỏ, đúng ra chỉ là dây chuyền sản xuất phối trộn chứ nhà máy sản xuất sữa thì phải nuôi bò sữa.
“Bắt buộc hoạt động phải có giấy phép, đăng ký doanh nghiệp thì Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh cấp còn giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm, người dân, cá nhân, doanh nghiệp có đơn đề nghị, đủ điều kiện thì chúng tôi cấp. Điều kiện là phải có con người, trang thiết bị, nhà xưởng thế thôi” – ông Nam cho hay.
Ông Nam cũng cho biết, Chi cục cũng tiếp nhận từng hồ sơ sản phẩm của Công ty TNHH sản xuất thương mại quốc tế CIO.
“Doanh nghiệp đến nộp thì mình phải tiếp nhận trên cơ sở cũng phải rà soát xem có hợp lệ hay không chứ không phải doanh nghiệp đưa thế nào cũng nhận. Sau này doanh nghiệp làm sai thì sẽ hậu kiểm” – ông Nam nói.
Dù Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Dương giải thích như trên, tuy nhiên, quá trình xác minh của cơ quan công an cho thấy, tất cả các mặt hàng liên quan do nhà máy sản xuất, cung cấp ra thị trường thời gian vừa qua đều không đạt tiêu chuẩn như đã có trong đăng ký. Điều này khiến dư luận đặt ra trách nhiệm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Dương trong việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cũng như hậu kiểm sau khi cấp?
Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Bùi Tú