THCL Bộ Giao thông Vận tải  là cơ quan được nhận nguồn vốn đầu tư lớn nhất từ ngân sách, còn về địa phương, Hà Nội chiếm ngôi đầu. Đó là công bố mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư  về vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2016.

Theo đó, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm qua đạt 155.290 tỷ đồng, tăng 112% so cùng kỳ năm trước và bằng 60% kế hoạch cả năm.

Trong đó, nguồn vốn chi cho 10 bộ là hơn 36.450 tỷ đồng. Đáng chú ý, riêng Bộ Giao thông Vận tải chiếm hơn 13.400 tỷ đồng (bằng gần 37% tổng vốn ngân sách nhà nước chi cho các bộ, ngành); tiếp sau là các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo...

Hai bộ nhận được nguồn ngân sách đầu tư ít nhất là Bộ Khoa học và Công nghệ 185 tỷ đồng và Bộ Thông tin và Truyền thông với 75 tỷ đồng.

Về phía địa phương, hơn 118.835 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước được chi cho các địa phương trong 8 tháng qua, gấp 3 lần so với số vốn đầu tư phân bổ theo bộ, ngành và bằng 76,5% số vốn chi đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trong đó riêng ngân sách cấp tỉnh được cấp là hơn 84.000 tỷ đồng (chiếm 70%), ngân sách cấp huyện, quận là 28.600 tỷ đồng, còn lại là ngân sách cấp xã. Các địa phương như Hà Nội và TP. HCM được cấp nguồn vốn đầu tư bằng ngân sách lớn nhất với lần lượt là 19.600 tỷ đồng và 10.600 tỷ đồng.

Về tình hình thu chi ngân sách nhà nước, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 15/8/2016, ước tính đạt 603.700 tỷ đồng, bằng 59,5% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 486.200 tỷ đồng, thu từ dầu thô đạt 24.600 tỷ đồng; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 90.200 tỷ đồng.

Tiến độ thu ngân sách nhà nước 8 tháng đạt thấp, chủ yếu do ảnh hưởng của giá dầu giảm và tác động của chuyển hướng thương mại, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa nhập khẩu khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTAs).

Riêng thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 126.100 tỷ đồng, chỉ bằng 49,2% dự toán năm, chủ yếu do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, công ty trong lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí, than, khoáng sản và thủy điện gặp khó khăn.

Về tổng chi ngân sách nhà nước, đến thời điểm 15/8/2016, ước tính đạt 715.200 tỷ đồng, bằng 56,2% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 107.200 tỷ đồng (15% tổng chi); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 506.700 tỷ đồng, (chiếm gần 71%); chi trả nợ và viện trợ đạt 96.200 tỷ đồng, (chiếm 13%).

Như vậy, ngân sách nhà nước trong 8 tháng qua bị mất cân đối, trong đó số bội chi hơn 111.500 tỷ đồng, do chi cao hơn thu.

Hải Minh