Vẫn là được mùa mất giá

Theo người dân ở vùng nhãn Hưng Yên, thời tiết năm nay ít mưa, tỷ lệ vải, nhãn ra hoa đạt 95%, hứa hẹn một mùa bội thu. Tuy nhiên, niềm vui được mùa luôn song hành với nỗi lo mất giá, nhất là trong bối cảnh, việc tiêu thụ phần lớn sản lượng nhãn phụ thuộc vào thương lái.

Khảo sát của phóng viên, tại một số chợ chuyên kinh doanh hoa quả như chợ Long Biên, chợ đầu mối phía Nam... khoảng 2 tuần qua một lượng lớn nhãn chín sớm đã được vận chuyển về tiêu thụ. Tại chợ đầu mối phía Nam, hiện trung bình mỗi ngày có từ 15 - 20 xe tải vận chuyển nhãn đầu mùa từ Sơn La, Hải Dương và Hòa Bình về bán buôn tại chợ, giá bán rẻ hơn so với các năm trước. Cụ thể, nếu như nhãn đầu mùa năm 2017 giá lên đến 90.000 - 100.000 đồng/kg thì đầu tháng 7/2018 giá bán buôn sản phẩm này chỉ dao động ở mức 50.000 - 60.000 đồng/kg, hiện tại đã giảm về mức 20.000 - 27.000 đồng/kg tùy vào chất lượng.

Tại chợ Thành Công, nhãn đầu mùa đầu mùa đang được nhiều tiểu thương bán với mức giá 22.000 - 25.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Hải, một tiểu thương bán hoa quả cho biết: “Hiện tại, nhãn sớm đầu mùa chưa phải là nhãn lồng Hưng Yên mà chủ yếu là nhãn chín sớm của một vài tỉnh, thành lân cận Hà Nội. Khoảng gần một tháng nữa nhãn lồng Hưng Yên nữa mới chín”. 

Không chỉ được bán tại các khu chợ, nhãn đầu mùa còn được bán nhiều trên chợ online với mức giá chỉ 30.000 đồng/kg hoặc 100.000 đồng/4kg. Vì giá bán nhãn đầu mùa khá rẻ nên mặt hàng này được tiêu thụ khá nhiều. Theo các tiểu thương, năm nay thời tiết thuật lợi, nhãn được mùa, sản lượng tại các vùng chuyên trồng nhãn tại các địa phương tăng lên đáng kể nên khi vào chính vụ thu hoạch thì giá bán sẽ còn tiếp tục giảm.

Nhãn được mùa và bài toán tiêu thụ - Hình 1

Nhãn được mùa và bài toán làm thế nào để tiêu thụ  

Phương án hỗ trợ tiêu thụ 

Hiện nay, 2 tỉnh có diện tích trồng nhãn lớn nhất là Sơn La và Hưng Yên. Cụ thể, năm nay Sơn La có trên 12.000ha nhãn, sản lượng khoảng 62.000 tấn, tăng 27.000 tấn so với năm 2017. Tỉnh Hưng Yên với 4.340ha nhãn với sản lượng 41.000 tấn, tăng 20% so với vụ thu hoạch 2017. Sản lượng tăng mạnh cũng sẽ áp lực trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đòi hỏi các DN bán lẻ phải sớm có phương án hỗ trợ người dân.

Để chuẩn bị cho tiêu thụ nhãn vụ 2018, Bộ Công Thương đang có những động thái hỗ trợ cụ thể. Theo đó, ngoài một số chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ người dân quảng bá sản phẩm vải nhãn tới người tiêu dùng, Bộ Công Thương sẽ tạo mọi điều kiện để DN xuất khẩu nhãn sang Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc... Hạn chế tối đa việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc - hiện đang chiếm tới 98% tổng kim ngạch xuất khẩu nhãn Việt Nam.

Đại diện các Sở Công Thương Sơn La, Hưng Yên khẳng định, bên cạnh việc mở rộng xuất khẩu, việc tiêu thụ nhãn vẫn trông cậy vào thị trường nội địa. Tại “Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2018” vừa khai mạc tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Sơn La Vũ Đức Thuận nêu rõ: Nhằm hỗ trợ người nông dân tiêu thụ khoảng 35.000 - 40.000 tấn nhãn, UBND tỉnh Sơn La đã có nhiều buổi làm việc với các địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Lào Cai, Bắc Giang, Lạng Sơn… và các DN thực hiện kế hoạch tiêu thụ nhãn tại hệ thống chợ truyền thống, siêu thị.

Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị các DN bán lẻ đang quản lý các siêu thị Hapro, Fivimart, Vinmart, Big C... cam kết thu mua, tiêu thụ nhãn. Đồng thời, từ nay đến hết ngày 26/8, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp UBND tỉnh Hải Dương, Sơn La tổ chức 4 “Tuần lễ nhãn lồng và nông sản an toàn”; Hội nghị xúc tiến xuất khẩu nhãn và tuần lễ nhãn, nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2018.

Nguyễn Trang (t/h)