Bộ NN&PTNT vừa có báo cáo Chính phủ về công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và thực hiện các biện pháp bảo đảm nguồn cung thịt lợn.
Theo đó, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, nhiều địa phương tập trung tái đàn nhanh, hiệu quả. Cụ thể, có 8.031 xã (chiếm 93,7% tổng số xã có dịch) thuộc 609 huyện đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ca bệnh mới; 22 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã qua 30 ngày; 32 tỉnh, thành phố có 85% số xã đã qua 30 ngày. Khả năng đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho năm 2020 khoảng hơn 4 triệu tấn.
Về việc nhập khẩu thịt lợn, trong tháng 1 năm nay, các doanh nghiệp nhập khẩu hơn 4.535 tấn, từ Đức, Ba Lan, Canada và Hoa Kỳ.
Theo thống kê, từ tháng 11/2019 (khi có chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ về nhập khẩu 100 nghìn tấn thịt lợn) đến ngày 31/1/2020, đã nhập khẩu được 17.421 tấn thịt lợn và sản phẩm từ lợn.
Trong tháng 1/2020, Việt Nam đã nhập khẩu 4.535 tấn thịt lợn từ Đức, Ba Lan, Canada và Hoa Kỳ (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, theo báo cáo của các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cấp thịt lợn cho các thị trường trên thế giới.
Các nhà xuất khẩu thường sản xuất dựa trên kế hoạch và hợp đồng đã ký trước đó tối thiểu từ 3-5 tháng. Trong khi đó, thời gian vừa qua là kỳ nghỉ Noel và Tết Dương lịch của các nước xuất khẩu, do đó các nhà máy giết mổ gia súc và các doanh nghiệp xuất khẩu thường đóng cửa.
Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề do bệnh Dịch tả lợn châu Phi nên cần rất nhiều thịt lợn; sẵn sàng mua thịt lợn nhập khẩu với giá cao hơn (20 - 30%) so với các doanh nghiệp Việt Nam và họ thường mua với số lượng rất lớn.
Ngoài những khó khăn nêu chung ở trên, việc nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ về còn có những khó khăn như thời gian lâu, chi phí cao. Thuế nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ vẫn ở mức cao hơn so với thịt lợn nhập khẩu từ các nước đã có FTA với Việt Nam như Úc, Nhật Bản, Liên bang Nga, Mexico....
Các doanh nghiệp cần có thêm vốn để nhập khẩu. Vì để nhập 200 - 300 tấn/tháng, các doanh nghiệp phải đặt cọc vài chục tỉ đồng cho mỗi lần mua. Hiện nay, lượng thịt lợn cũng không dồi dào, việc tìm được các nguồn cung cấp với giá hợp lý gặp khó khăn.
Đặc biệt, nCoV gây ra cũng đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, kể cả việc đi lại của các doanh nghiệp sang các nước để tìm kiếm, đàm phán nhập khẩu thịt lợn.
Để đảm bảo nguồn cung thịt lợn Bộ NN&PTNT đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc các Bộ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các nguồn hàng thịt lợn với giá hợp lý tại Hoa Kỳ và tại các nước.
PV