Nhật Bản chính thức có Thiên Hoàng mới - Hình 1

Thiên Hoàng và Hoàng Hậu trong buổi tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Tokyo. Ảnh: Kyodo

Lễ Đăng quang cũng có hơn 300 khách tham gia với thành phần như Lễ Thoái vị. Sau Lễ Đăng quang, Lễ Tiếp truyền bảo vật Vua được tổ chức vào lúc 10h30 (giờ Nhật Bản) với nghi thức tiếp nhận Kiếm, Bảo ngọc, Quốc Ấn và Triện Thiên Hoàng. Nghi lễ này chỉ có 26 người tham gia bao gồm các Đại thần và đại biểu Nội các Nhật Bản.

Từ 11h10 là nghi thức Lễ Yết Triều sau đăng quang. Tại Lễ này, Nhật Hoàng mới sẽ có lời bố cáo đầu tiên với tư cách là Thiên Hoàng.

Cũng trong sáng nay (1/5), Nội các Nhật Bản cũng đã tổ chức cuộc họp trước khi diễn ra Lễ Đăng quang nhằm quyết định truyền những bảo vật Hoàng Cung tượng trưng cho quyền uy của Nhật Hoàng cho Nhật Hoàng mới, trao huân chương cống hiến cho Nhật Hoàng Naruhito.

Phát biểu sau cuộc họp, Thủ tướng Shinzo Abe đồng thời với lời chúc mừng tới Nhật Hoàng Naruhito đã bày tỏ sự quyết tâm nỗ lực tạo dựng thời đại Reiwa trở nên rực rỡ.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng, chính quyền Thủ tướng Abe sẽ ưu tiên cho việc tái sinh nền kinh tế và tái cấu trúc chính sách ngoại giao trong thời kỳ mới, cải thiện môi trường làm việc, ổn định tăng trưởng kinh tế, lắng nghe tâm tư người dân vì một xã hội tốt đẹp.

Bắt đầu từ ngày 1/5, Niên hiệu mới Reiwa cũng sẽ chính thức bắt đấu, đánh dấu sự phát triển của thời đại mới. Niên hiệu Nhật Bản là kết quả của một hệ thống hóa thời kỳ lịch sử do chính Nhật Hoàng Kotoku thiết lập vào năm 645. Hệ thống niên hiệu của Nhật Bản chỉ từ sau năm 701 mới tuần tự phát triển mà không bị gián đoạn trong suốt mấy thế kỷ. Tại Nhật Bản hiện nay, năm có thể được đánh số bằng niên hiệu của Nhật Hoàng tại vị. Niên hiệu lâu dài nhất của Nhật Bản là Chiêu Hòa (64 năm) của Thiên hoàng Hirohito (1926-1989).

Đến nay, Nhật Bản đã có 250 niên hiệu khác nhau. Trong khoảng 200 năm trở lại đây, một triều đại cũng là toàn bộ thời gian trị vì của một Nhật Hoàng. Niên hiệu mới được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá cao về mặt ý nghĩa đối với Nhật Bản. Tuy nhiên, nó cũng đánh dấu sự thay đổi của nền kinh tế thế giới.

Giáo sư Yamamoto-Trường Đại học Tokyo cho rằng, niên hiệu mới ngoài việc thể hiện giá trị văn hóa của Nhật Bản còn thể hiện giá trị quan trọng đối với thế giới đó là thời kỳ của sự ổn định và phát triển, đặc biệt là sự tăng trưởng của các nền kinh tế thế giới.

Giáo sư danh dự trường Đại học Yokohama nhận định, thời kỳ niên hiệu thay đổi cũng ứng với sự biến động lớn của nền kinh tế thế giới. Ví dụ như vào thời Minh Trị khi đó bắt đầu thực hiện việc dùng đơn vị tiền tệ chung trên thế giới, thời kỳ Đại Chính đến Chiêu Hòa đánh dấu sự chuyển giao trung tâm kinh tế từ Anh sang Hoa Kỳ.

Tại Nhật Bản, trong những năm qua nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng luôn thấp. Tuy các chính sách của Thủ tướng Abe luôn ưu tiên phát triển kinh tế, song vẫn chưa tạo ra được bứt phá với một mức tăng trưởng có thể yên tâm. Với niên hiệu mới, nền kinh tế Nhật Bản hy vọng sẽ tạo ra một mức tăng trưởng mới đáp ứng nguyện vọng của dân chúng.

Các nghi thức khác sau Lễ Đăng quang như Lễ tuyên bố Đăng quang trong và ngoài nước dự kiến sẽ diễn ra vào 22/10. Các nghi Lễ chúc mừng được phân ra làm 4 phần, bắt đầu từ cuối tháng 10 cũng sẽ được diễn ra. Ngoài lãnh đạo của 195 nước có quan hệ ngoại giao với Nhật Bản, các Đại sứ các nước tại Nhật Bản cũng sẽ được mời tham gia vào 1 số nghi thức Lễ.

Trên thế giới, quốc gia tồn tại chế độ Hoàng thất không còn nhiều, nhưng mỗi sự thay đổi của Vương Triều đề tập trung sự chú ý của thế giới. Nhật Bản từ đây hy vọng sự thay đổi tích cực mới, ứng với cuộc sống bình yên, vui vẻ của dân chúng.

Vài nét về Nhật Hoàng Naruhito

Nhật Hoàng Naruhito sinh ngày 23/2/1960. Naruhito trong tiếng Nhật được tạo thành từ hai chữ Hán theo tư tưởng Khổng tử có nghĩa là "người nhận khí chất từ trời cao".

Theo truyền thống hoàng gia Nhật, con cháu trong hoàng tộc sẽ được vú em chăm sóc riêng trong nhà trẻ Hoàng gia. Tuy nhiên, Hoàng Hậu Michiko phá vỡ truyền thống, quyết định tự nuôi dạy con, nên ông Naruhito cùng các em mình sống chung với gia đình.

Năm 1964, ông bắt đầu theo học ở Gakushuin, hệ thống trường được thành lập từ thế kỷ 19 dành cho thành viên gia đình quý tộc, bao gồm tất cả cấp học từ mầm non cho đến đại học.

Năm 1978, Thái tử học chuyên ngành lịch sử của Đại học Gakushuin. Trước khi tốt nghiệp năm 1982, ông viết luận văn về giao thông đường thủy thời kỳ trung cổ tại khu vực phía tây Nhật Bản. Năm 1983 - 1986, ông học Thạc sĩ tại trường Merton, Đại học Oxford. Đây là lần đầu tiên ông ở trong ký túc xá.

Luận văn nghiên cứu của ông viết về lịch sử giao thông trên sông Thames. Ông được Đại học Oxford trao bằng danh dự Tiến sĩ luật năm 1991. Ông cũng là một nhà nghiên cứu tại bảo tàng lịch sử Đại học Gakushuin từ năm 1992 và thường có những bài giảng tại trường nữ sinh Gakushuin.

Tháng 1/1989, ông trở thành Thái tử ở tuổi 28, sau khi cha ông trở thành Nhật Hoàng. Dù từng đặt mục tiêu lập gia đình trước 30 tuổi, đến tháng 6/1993, khi 33 tuổi, ông Naruhito mới kết hôn với bà Masako Owada, người theo ngành ngoại giao lớn lên tại Moskva và New York.

Thái tử Naruhito đặc biệt quan tâm đến thủy lợi, bảo tồn nước và đã có những bài phát biểu về vấn đề này ở các diễn đàn lớn. Ông là Chủ tịch danh dự của Ban cố vấn cho Tổng thư ký Liên hợp quốc về nước và vệ sinh tháng 11/2007 - 12/2015. 

Thời gian rảnh, ông thích leo núi, đi bộ, chơi tennis và trượt tuyết. Ông cũng chơi đàn viola và từng biểu diễn trong một dàn nhạc giao hưởng thời đại học. 

Trong xã hội Nhật, vị trí của Nhật hoàng chỉ mang ý nghĩa biểu tượng chứ không có quyền lực chính trị. Tuy nhiên, đa số người dân Nhật Bản đều rất kính trọng Nhật hoàng.

Theo Bùi Hùng/VOV-Tokyo