Tháng 2-1973, giữa lúc chúng tôi đang bộn bề công việc thì cấp trên giao cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn một nhiệm vụ đặc biệt: Tổ chức đưa đoàn Quốc trưởng Norodom Sihanouk về thăm vùng giải phóng Campuchia theo tuyến đường Trường Sơn.

Lúc này, Hiệp định Paris về Việt Nam (27-1-1973) và Lào (21-2-1973) đã được ký kết. Với khí thế đó, cách mạng Campuchia được sự chi viện của Quân giải phóng miền nam Việt Nam đã đánh bại nhiều cuộc hành quân của Lon Nol (trước đó Lon Nol đã tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền Sihanouk vào ngày 18-3-1970), giải phóng một vùng rộng lớn gồm bốn tỉnh đông bắc Campuchia là Kracheh, Stung Treng, Ratanakiri, Mondulkiri. Vùng giải phóng này nối liền với vùng giải phóng ở Hạ Lào và Nam Bộ, Tây Nguyên của Viêt Nam, trở thành căn cứ chiến lược của chiến trường ba nước Đông Dương.

Vì thế, chuyến về thăm vùng giải phóng Campuchia của Quốc trưởng Sihanouk có ý nghĩa rất quan trọng, chứng minh thắng lợi to lớn và sức mạnh đoàn kết của nhân dân ba nước Đông Dương, cổ vũ quân dân Campuchia tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, thách thức những loại vũ khí tối tân mà Mỹ đang thử nghiệm để đánh phá đường Trường Sơn.

Đây cũng là thời điểm không quân Mỹ đánh phá khu vực ngã ba Đông Dương rất ác liệt nhằm ngăn đường vận chuyển Trường Sơn Tây của chúng ta vào Nam Bộ. Trên đất Việt Nam và Lào tại khu vực này, hệ thống đường sá cơ bản là dã chiến, nhiều đèo dốc hiểm trở, nhưng mỗi ngày có đến hàng nghìn xe vận tải ra bắc vào nam. Thêm vào đó là từng đoàn binh khí kỹ thuật, quân chủ lực đi vào chiến trường rất đông, nên chúng tôi đặt yếu tố bí mật, bảo đảm an toàn tuyệt đối lên hàng đầu. Một điều nữa là phải bảo đảm sức khỏe, sinh hoạt của Quốc trưởng và bà hoàng Monique trong chuyến di chuyển dọc Trường Sơn Tây từ Quảng Bình sang Lào rồi vòng xuống Campuchia. Vì vậy, dù điều kiện chiến tranh rất khó khăn nhưng chúng tôi xác định phải phục vụ ăn, nghỉ ở mức độ tốt nhất.

Kế hoạch hành quân gồm 13 xe: một xe chở Quốc trưởng (có hai vệ sĩ, một bác sĩ), một xe chở bà hoàng (hai nữ vệ sĩ, một nữ bác sĩ), một xe chở Bộ trưởng Ngoại giao (một vệ sĩ), ba xe chở đồ dùng, một xe thông tin, một xe chở Phó Tư lệnh, ba xe chở phóng viên quốc tế, hai xe chở đồ dùng cho Quốc trưởng và bà hoàng. Thời đó, tuy khó khăn là thế nhưng chúng tôi vẫn bố trí có máy phát điện, tủ lạnh, bồn tắm, chăn màn, thuốc chữa bệnh, thực phẩm… mang theo phục vụ, Riêng đội ngũ lái xe là những người lính giỏi nhất, được huấn luyện kỹ, dạn dày bom đạn. Các trạm dừng chân cũng được khảo sát, bảo vệ kỹ lưỡng trước khi đoàn xuất phát. Riêng các trạm nghỉ đêm phải có nước nóng, thức ăn tươi và rau xanh, có bộ phận quân y thường trực ở đó.

Hôm khởi hành, chúng tôi đưa đoàn từ Trường Sơn Đông rẽ sang Trường Sơn Tây trên đất Lào, sau đó hành quân nhiều ngày đến tỉnh Attapeu rồi vào địa phận Siem Pang (Stung Treng, Campuchia). Khi đến địa phận Campuchia, đoàn xuống xe lên thuyền máy dọc theo sống Sekong rồi về Ta Ngov.

Trong hơn một tháng thăm vùng giải phóng, chúng tôi vẫn bảo vệ Quốc trưởng, chúng tôi vẫn bảo vệ Quốc trưởng Sihanouk và bà hoàng Monique thực hiện các cuộc viếng thăm nhân dân, gặp gỡ thanh niên Khmer, thăm và động viên quân giải phóng Khmer, chủ trì họp Hội đồng Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc. Đến cuối tháng 3-1973, đoàn mới rời Campuchia về lại Trường Sơn để ra Hà Nội thăm chính thức nước ta. Việc đón đoàn tại Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn được tổ chức rất trọng thể: một cổng chào dựng dọc theo hai thân tre cao vút, phía trên có băng rôn chào mừng. Phía dưới là một đội danh dự nữ và một đội danh dự nam súng ống chỉnh tề. Sau khi đi qua cổng chào trước đội quân danh dự, Quốc trưởng và bà hoàng được choàng lên vai những vòng hoa rừng đủ sắc mầu, rất đẹp.

Ngay sau khi rời vùng giải phóng Campuchia về lại Trường Sưn, Quốc trưởng đã nói chuyện qua điện thoại với Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ngài gọi thân mật là Frere Giáp (anh Giáp), sau đó bà hoàng Monique cũng nói chuyện thăm hỏi chị Hà, phu nhân của Đại tướng. Quốc trưởng Sihanouk khen ngợi Bộ Tư lệnh Trường Sơn  và đặc biệt khâm phục hệ thống thông tin xuyên suốt từ sở chỉ huy ra Hà Nội, vào tận binh trạm, các trạm trên toàn tuyến Trường Sơn.

Tối 5-4-1973, Bộ Tư lệnh Trường Sơn chiêu đãi trọng thể, chúc mừng chuyến đi tốt đẹp của đoàn. Sau khi cảm ơn Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã đưa đoàn đi đến nơi về đến chốn an toàn, Quốc trưởng đã kể lại cảm xúc của ngài khi đặt chân trở lại mảnh đất vừa giải phóng của Campuchia. Quốc trưởng cảm phục con đường Trường Sơn và những người lính Trường Sơn đã làm nên nhiều kỳ tích, xứng đáng để cách mạng Đông Dương ghi vào lịch sử… Và thực tế là trên tuyến chi viện mà Quốc trưởng đã đi qua, chúng tôi đã đạt 130% kế hoạch “giao hàng” cho Campuchia trong hai năm 1973-1974. Ba tháng đầu năm 1975, Bộ đội Trường Sơn giao chiến trường Campuchia một vạn tấn vũ khí, khí tài. Và chỉ riêng tháng 3-1975, Tiểu đoàn 105 của Sư đoàn ô-tô 571 (thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn) đã thần tốc đưa 800 xe vận tải chở đầy vũ khí vào giao quân giải phóng Campuchia tiếng công giải phóng PhnomPenh ngay 17-4-1975.

Đường Trường Sơn đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia và mãi mãi là biểu tượng cao đẹp với sự đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương. Chuyến đưa đón Quốc trưởng Sihanouk là một minh chứng.

Thiếu tướng PHAN KHẮC HY,

Nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn ( Theo Thời Nay)