Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I là một trong những dự án nguồn điện lớn, quan trọng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo EVN, dự án sau khi đi vào vận hành sẽ cung cấp khoảng 8,4 tỷ KWh mỗi năm cho hệ thống điện quốc gia. Theo tiến độ, dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 sau 42 tháng và tổ máy số 2 sau 48 tháng kể từ khi khởi công.
Ngay sau khi tiếp nhận dự án từ PVN, với tư cách là đơn vị đại diện EVN làm chủ đầu tư các dự án tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, nhận thấy công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có những nhiều khó khăn vướng mắc, Ban QLDA Điện 2 đã chủ động tổ chức các buổi hội thảo, giới thiệu về công nghệ và môi trường Nhà máy Nhiệt điện. Đồng thời, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức đối thoại để nắm được được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Tổ chức các đoàn tham quan các nhà máy nhiệt điện của EVN như Nhiệt điện Nghi Sơn, Thái Bình, Duyên Hải, Vĩnh Tân… Sau nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện hiệu quả công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, việc lựa chọn công nghệ và nhà thầu được triển khai được đảm bảo.
Đến nay, Ban QLDA Điện 2 đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đã được UBND tỉnh Quảng Bình giao đất cho dự án năm 2017. Dự án bao gồm: Khu vực nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I, Khu nhà điều hành, khu phụ trợ, băng tải than đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã san gạt mặt bằng. Các hạng mục như: Bãi thải xỉ, kênh nhận nước làm mát…
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Ban Quản lý Dự án điện 2 (ANĐ 2 thuộc EVN) thông tin, dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch gồm: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (2 x 600MW) và Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 2 (2 x 600MW) là một trong những dự án nguồn điện lớn, cấp bách được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp một lượng điện năng đáng kể, đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải của khu vực miền Trung. Vì vậy, yêu cầu cấp bách đặt ra là không chỉ đảm bảo tiến độ mà còn phải đảm bảo chất lượng công trình.
“Quá trình đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành khai thác các dự án tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế xã hội, phục vụ đời sống của nhân dân tỉnh Quảng Bình, mà còn có vai trò, ý nghĩa to lớn trong chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia” - ông Thành chia sẻ.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về “Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2021”, ông Phạm Xuân Minh Trí, đại diện Ban Quản lý dự án Điện 2 cho biết: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn USC với lò hơi kiểu trực lưu, đốt than phun (PC) trực tiếp, tuabin kiểu ngưng hơi truyền thống với thông số hơi đầu vào trên siêu tới hạn: áp suất hơi chính: khoảng 242 bar; nhiệt độ hơi chính: khoảng 5930C.
Nồng độ các chất trong khí thải, nước thải trước khi thải ra môi trường không chỉ đáp ứng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường của Pháp luật Việt Nam hiện hành mà còn đáp ứng bộ tiêu chuẩn của ngân hàng thế giới - WB. Mặt khác, tro xỉ thải theo công nghệ USC của nhà máy Quảng Trạch I là loại vật liệu sạch được dùng trong nhiều ngành công nghiệp khác, đã được một số đơn vị trong khu vực đặt hàng tiêu thụ. Các số liệu môi trường sẽ được đưa về Sở TNMT tỉnh Quảng Bình để giám sát online 24/24h theo đúng quy định của Nhà nước về quản lý môi trường.
Với tỉnh Quảng Bình, các dự án tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch là các dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, tạo sự đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước khoảng 2.400 tỷ đồng/năm.
Trong giai đoạn đầu tư xây dựng, vào thời gian cao điểm, có hơn 3.000 lao động xây dựng trên công trường, đồng thời, thu hút hàng nghìn lao động khác trong các lĩnh vực dịch vụ, vật liệu xây dựng, vận chuyển…Từ đó sẽ tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là lao động có trình độ cao vào làm việc ổn định lâu dài tại nhà máy.
Lê Quyết