Chỉ cần gõ cụm từ "vay tiền qua app" hoặc "vay online" sẽ lập tức hiện lên hàng loạt kết quả. Hiện nay có khoảng từ 50 - 60 ứng dụng cho vay trực tuyến. Các ứng dụng vay tiền yêu cầu người vay tạo một tài khoản bằng cách cung cấp các thông tin cá nhân gồm: hình ảnh, số CMND, hình CMND, số tài khoản ngân hàng và đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử do ứng dụng soạn sẵn, trong đó có điều khoản, buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại di động.
Ứng dụng quảng cáo cho vay dễ dàng, vài phút nhận tiền đã khiến nhiều người 'tặc lưỡi' rồi sa vào con đường vay nặng lãi, kêu trời mà không rút chân ra được. Một khi cho phép ứng dụng truy cập vào danh bạ của người vay thì có nghĩa những kẻ ẩn sau ứng dụng này sẽ biết hết bạn bè và người thân, đồng nghiệp của người vay. Chúng sẽ dùng chính những mối quan hệ này để đe dọa người vay nếu không trả nợ đúng hạn. Nhiều người đã phải "cầu cứu" khi bị đòi nợ theo kiểu xã hội đen.
Theo Bộ Công an, ứng dụng vay tiền trực tuyến (app vay tiền online) thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp, người đi vay không cần có tài sản đảm bảo và người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại di động thông minh (smart phone).
Cảnh báo biến tướng của cho vay “tín dụng đen” với lãi suất 1.600 %/năm
Tuy nhiên, có nhiều app cho vay biến tướng, trở thành một dạng của tín dụng đen, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các app cho vay tiền dính tới việc cho vay với lãi suất cao, “khủng bố” người vay thì có thể bị xử lý như sau:
Tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Đối với hành vi gọi điện đe dọa, tung tin sai, bôi nhọ người vay chưa trả đúng hạn lên mạng xã hội… có thể bị truy tố theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm nhục người khác. Nếu hành vi đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự cá nhân thì có thể làm đơn tố cáo gửi lên cơ quan công an kèm theo các tài liệu chứng minh để cơ quan công an xác minh, điều tra, xử lý.
Về nội dung câu hỏi liên quan đến người vay có phải trả tiền đã vay qua app không, trả như thế nào, lãi suất ra sao? Số tiền vay là vật chứng của vụ án, người vay phải trả lại số tiền đã vay của app vào tài khoản cho vay với lãi suất không vượt quá 20% lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước. Quá trình giải quyết vụ án, căn cứ trên kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được, Tòa án sẽ xét xử theo luật định./.
Thiên Trường