Tháng 3/2018, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải về việc nâng cấp, mở rộng sân bay Phú Bài. Theo kế hoạch, Tổng công ty Hàng không Việt Nam dự kiến khởi công xây dựng nhà ga T1, đường cất cánh, hạ cánh, đường lăn, đường đỗ sân bay… vào quý 2 và quý 3/2019.
Cảng hàng không quốc tế Phú Bài sẽ mở rồng 153ha với tổng kinh phí 5. 560 tỷ đồng
Tổng kinh phí cho dự án này lên đến 5.560 tỷ đồng được triển khai với tổng diện tích đất 153,17ha. Mục đích của dự án nhằm nâng công suất của cảng hàng không này lên 3 đến 3,5 triệu lượt hành khách/năm từ năm 2020 và lên gần 7 triệu hành khách/năm vào năm 2025.
Xã Thủy Tân là địa phương có nhiều hộ dân ảnh hưởng bởi dự án nghìn tỷ này. Hiện tại, điều mà người dân ở đây quan tâm nhất đó là sẽ tái định cư ở đâu khi dự án triển khai.
Nhà ông Nguyễn Quang Kẹm (thôn Tô Đà 1, xã Thủy Tân) nằm gần ngay đường bay của sân bay Phú Bài, ông Kẹm cho biết nếu dự án được triển khai thì người dân hoàn toàn đồng ý.
Tuy nhiên, ông Kẹm cho rằng nếu dự án được triển khai thì việc tái định cư của người dân phải được đặt lên hàng đầu. Ông Kẹm chỉ ra rằng, nếu phải di dời dân dân thực hiện dự án thì điều đầu tiên phải đền bù theo giá nhà nước.
Theo ông Kẹm, trung bình mỗi lô tái định cư của người dân phải từ 300m2 để còn có phần đất sản xuất, phơi lúa, chỗ nuôi gia súc. Khu tái định cư phải đảm bảo điện nước để người dân an tâm.
Bà Nguyễn Thị Hằng (thôn Tô Đà 1) thì cho rằng, đa phần người dân thôn Tô Đà 1 có nhiều diện tích đất, vì vậy việc bồi thường phải thỏa đáng, đảm bảo kế sinh nhai cho người dân. Khu tái định cư đảm bảo đầy đủ điện nước trước khi người dân đến sinh sống.
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Tấn Hợp-Chủ tịch UBND xã Thủy Tân cho biết, toàn bộ xã có 250-350 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Phú Bài. Tháng 3/2018, tỉnh và thị xã đã đến địa phương này thực tế quỹ đất xây khu tái định cư cho người dân.
Theo ông Hợp, việc bồi thường cho người dân sẽ ở mức cao nhất, theo quy định của pháp luật. Hiện xã đã tham mưu cho cấp trên tiến hành tái định cư cho người dân tại khu vực Đồng Giữa, Đồng Phò của thôn Chiết Bi.
“Hiện người dân có băn khoăn vì dự án này. Một nửa thì muốn đi, một nửa còn lại thì không vì chỗ ở hiện đã lâu đời. Xã sẽ tham mưu cho cấp trên bố trí tái định cư cho người dân ở nơi tốt nhất”, ông Hợp nói.
5 năm trở lại đây, người dân tại thôn Tô Đà 1 thường hay chịu cảnh máy bay làm tốc ngói lợp nhà mỗi khi cất cánh và hạ cánh xuống sân bay Phú Bài, khiến nhiều hộ dân sống trong lo sợ.
Bà Phan Thị Kim Quyên trú thôn Tô Đà 1 cho biết, vào tháng 11/2017, khi đang làm việc dưới nhà thì nghe phía nhà trên xuất hiện nhiều tiếng ồn kèm theo tiếng ngói rơi. Khi lên đến nhà thì hàng chục viên ngói lợp rơi từ trần nhà xuống nằm vương vãi khắp nền.
Sau sự cố nói trên, bà Quyên đã bỏ ra gần 500 nghìn đồng để mua 17 lốc ngói về lợp lại nhà. Đáng nói rằng, sau vụ việc trên, đại diện cảng hàng không quốc tế Phú Bài đã về nhà bà Quyên để lập biên bản nhưng đến nay không bồi thường gì cho bà Quyên.
“Hôm đó may là con gái tôi ra ngoài, nếu ở trong phòng ngủ thì chắc đã bị vỡ đầu vì ngói rơi. Bây giờ cứ nghe máy bay bay trên nhà lại bị ám ảnh và lo sợ”, bà Quyên nói.
Trong khi đó bà Đỗ Thị Bài (thôn Tô Đà) cho hay, mỗi lần có máy bay bay qua thì nhiều cây trăm và keo trong vườn nhà bà lại gãy. Mái hiên nhà bà nhiều lần bị máy bay giật phăng khỏi đòn tay.
Ông Nguyễn Tấn Hợp - Chủ tịch UBND xã cho hay, thông thường cứ vào mùa mưa thì nhà dân lại bị ảnh hưởng bởi máy bay. Lúc này, thời tiết mưa nhiều, tầm nhìn hạn chế nên phi công bay thấp để dễ quan sát. Sự việc kéo dài từ năm 2013 đến nay nhưng sân bay vẫn chưa có động thái bồi thường.
Tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII vào tháng 12/2017 thì vấn đề này cũng đã được các đại biểu bàn luận. Đây cũng là lần đầu tiên mà những hoài nghi về máy bay cỡ lớn làm hỏng nhà dân được trình bày tại một kỳ họp HĐND cấp tỉnh.
Bảo Ngọc (t/h)