Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện cả nước có 6.439 vùng trồng tại 53/63 tỉnh, thành phố và 1.618 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được cấp mã số xuất khẩu, bao gồm 25 sản phẩm như thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, chuối, thạch đen và khoai lang, tập trung xuất khẩu đi 11 thị trường gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, UAE, Malaysia và Singapore.
Tuy nhiên, bên cạnh việc nhiều mã số được cấp mới thì vẫn còn mã số vùng trồng bị thu hồi chủ yếu ở các tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, Lâm Đồng...
Về nguyên nhân dẫn đến việc mã số vùng trồng bị thu hồi, theo Cục Bảo vệ thực vật, nhiều nhất do không đạt yêu cầu về chất lượng kỹ thuật. Các nước nhập khẩu có tần suất giám sát khác nhau từ hàng tháng tới hàng năm. Riêng Trung Quốc, việc giám sát diễn ra định kỳ hàng tuần đối với các tỉnh có sản lượng nhập khẩu lớn hoặc các cá nhân từng có lịch sử vi phạm. Cụ thể, mỗi tuần Trung Quốc sẽ chọn ra 18 - 24 mã số vùng trồng bất kỳ theo chuyên đề như sầu riêng, chanh leo, ớt, khoai… và việc giám sát thường diễn ra online.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp và người sản xuất còn thiếu kiến thức về các quy định của nước nhập khẩu, đặc biệt kiến thức về quản lý sinh vật gây hại, đặc biệt là giám sát sinh vật gây hại theo tiêu chuẩn ISPM số 6. Chưa có biện pháp quản lý, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều nơi, đến vụ thu hoạch mới thu gom nông sản từ các vùng trồng, điều này dẫn đến nhiều đơn vị không ký kết hợp đồng bao tiêu từ đầu để định hướng tổ chức sản xuất cho phù hợp với quy định của nước nhập khẩu.
Cùng với việc mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới thì việc tập trung xây dựng nhiều mã số vùng trồng mới, nâng cao chất lượng mã đã có là hướng đi quan trọng để cơ hội xuất khẩu rộng mở hơn, tận dụng thời cơ thị trường. Chính vì vậy, tình trạng mã số không đạt chất lượng bị thu hồi ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và xuất khẩu.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, diện tích sản xuất rau quả Việt Nam rất lớn, nhưng con số được cấp mã và được thị trường nhập khẩu chấp thuận còn rất ít. Như sầu riêng có khoảng 110.000ha với 2/3 diện tích đang thu hoạch nhưng chỉ có 246 mã vùng trồng với 97 mã cơ sở đóng gói. Nếu mất đi dù chỉ 1 mã cũng sẽ là thiệt hại trong sản xuất. Từ đó, ông Nguyên cho rằng cần điều tra, làm rõ với những mã số vùng trồng vi phạm và phải xử lý nghiêm.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cho rằng, cần đưa việc giả mạo thông tin xuất xứ hàng hóa vào khung pháp lý. Có như vậy, người dân và doanh nghiệp mới tự giác xây dựng mã vùng, mã xưởng.
Thiên Trường (T/h)