hjshdjhđjdjdkd
Thanh Hóa chú trọng tăng cường đầu tư công nghệ để chế biến, bảo quản các sản phẩm OCOP.

Những năm qua, việc triển khai Chương trình OCOP đã góp phần khai thác và phát huy lợi thế sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra hướng đi mới của người nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Thực tế cho thấy, từ khi có chương trình này, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm được chứng nhận OCOP là rất lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp, hợp tác xã phải có vùng nguyên liệu lớn và ổn định để mở rộng quy mô sản xuất.

Theo đại diện của Tổ quản lý Chương trình OCOP thuộc Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, toàn tỉnh đã có 158 sản phẩm OCOP đã được công nhận nhưng việc hình thành vùng nguyên liệu sản xuất của các sản phẩm chưa đạt được hiệu quả cao.

Số lượng sản phẩm xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững còn hạn chế. Để phát triển bền vững các sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa, việc hình thành vùng nguyên liệu sẽ giúp cho các doanh nghiệp, HTX chủ động trong kế hoạch sản xuất và kiểm soát được nguồn nguyên liệu về thời gian, số lượng và chất lượng của sản phẩm.

Do đó, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các chủ thể sản xuất thì những chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP và phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được tỉnh ban hành sẽ là yếu tố quan trọng để các chủ thể phát triển thêm các sản phẩm OCOP chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn, chất lượng “vươn ra” thị trường lớn.

Chương trình OCOP là một sân chơi quy mô lớn cho những sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương, góp phần quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiến hành đẩy mạnh hơn nữa quy mô xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP. Đây được kỳ vọng sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu để Thanh Hóa tiếp tục có thêm những sản phẩm OCOP chất lượng cao, cũng như khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có về sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.

Hoài Thu