Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ.

Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang phấn đấu nâng hạng cho 5-10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh và có thêm 25-30 sản phẩm mới đạt chuẩn OCOP từ 3 sao, đồng thời phấn đấu có ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.

Theo kế hoạch, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn xác định OCOP là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và gắn chỉ tiêu phát triển sản phẩm OCOP với chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Bên cạnh đó ưu tiên hỗ trợ các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP.

Các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện và phát triển sản phẩm đã đạt chuẩn để nâng cao chất lượng, đảm bảo có hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, đồng thời tăng quy mô sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong năm 2022 tỉnh phấn đấu nâng hạng cho 5-10 sản phẩm đã đạt chuẩn trước đó.

Bên cạnh việc hoàn thiện các sản phẩm đạt chuẩn sẵn có, các địa phương tiếp tục rà soát, lựa chọn và hỗ trợ cho các sản phẩm đăng ký mới, đặc biệt là các sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các sản phẩm chế biến, sản phẩm truyền thống, làng nghề và sản phẩm du lịch nông thôn. Qua đó phấn đấu đạt mục tiêu năm 2022 có thêm 25-30 sản phẩm đạt 3 sao trở lên (mỗi huyện, thành phố có ít nhất 2-3 sản phẩm); phấn đấu xây dựng, phát triển ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia (dự kiến vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ gạo Chũ,…).

Hà Trần